Khay đồng Trung Quốc 2.000 năm lập kỷ lục đấu giá 27 triệu đô

Một nhà sưu tầm giấu tên trả hơn 27 triệu USD mua lại chiếc khay đồng có niên đại hàng nghìn năm trong cuộc bán đấu giá ở Hàng Châu.
Chiếc khay là đồ cổ bằng đồng lâu đời nhất được khai quật tới nay, lòng khay khắc chữ tóm tắt lịch sử nhà Tây Chu. Ảnh:China Daily.
Chiếc khay là đồ cổ bằng đồng lâu đời nhất được khai quật tới nay, lòng khay khắc chữ tóm tắt lịch sử nhà Tây Chu. Ảnh:China Daily.

Chiếc khay có từ thời Tây Chu (1046 - 771 trước Công nguyên), được đem bán trong buổi đấu giá ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang hôm 15/7, theo SCMP.

Khoản tiền 27,3 triệu USD đã lập kỷ lục mới về đấu giá các món đồ nghệ thuật cổ ở Trung Quốc. Có ba nhà sưu tập tham dự cuộc đấu giá, trong đó có một người nổi tiếng nhưng ông này cho biết chỉ mua hộ một người bạn giấu tên.

Chiếc khay có tên Hề Giáp, đặt theo tên hiệu của Doãn Cát Phủ, thái sư thời Chu Tuyên Vương. Ông là người có công lớn trong việc sưu tập Kinh Thi, bộ tổng tập thơ ca vô danh đầu tiên của Trung Quốc. 

Trước khi được người sưu tập giấu tên mua, chiếc khay đã trải qua vài đời chủ. Nó cao 11,7 cm, đường kính 47 cm, có tay cầm hai bên, trong lòng khắc 133 ký tự viết về lịch sử nhà Tây Chu và là đồ cổ bằng đồng lâu đời nhất được khai quật tới nay. Nó được coi là kho báu quốc gia có giá trị như Đỉnh Mao Công - vạc đồng khắc chữ dài nhất thế giới đang được lưu giữ ở Cố Cung Đài Loan.

Chuyên đề