Đấu giá cổ phần Tập đoàn Cao su nguy cơ thành 'bom xịt'

Gần 500 nhà đầu tư đặt mua hơn 100 triệu cổ phần, chiếm khoảng 21% tổng khối lượng Tập đoàn Cao su chào bán trong đợt IPO đầu tháng tới.
Nếu không bán hết cổ phần đấu giá công khai, VRG sẽ chuyển sang phương thức bán thỏa thuận.
Nếu không bán hết cổ phần đấu giá công khai, VRG sẽ chuyển sang phương thức bán thỏa thuận.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM vừa công bố thông tin đăng ký tham gia phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Tính đến hết thời hạn nộp tiền cọc, có 499 nhà đầu tư tham gia với tổng khối lượng cổ phần đặt mua hơn 100 triệu đơn vị, chiếm khoảng 21,2% cổ phần chào bán. Cá nhân và tổ chức trong nước chào mua khoảng 73% trong số này.

Dù giá khởi điểm tương đối thấp, nhưng trong bối cảnh hàng loạt thương vụ cổ phần hóa “khủng” ngành dầu khí và điện lực đang được triển khai rầm rộ trong giai đoạn đầu năm nay thì tâm lý không mặn mà của nhà đầu tư với VRG được giới phân tích đánh giá là điều không bất ngờ.

Theo phương án cổ phần hóa được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phê duyệt cuối năm 2017, công ty mẹ VRG sẽ chuyển thành công ty cổ phần sau khi bán phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Doanh nghiệp đầu ngành cao su sẽ bán đấu giá công khai hơn 475 triệu cổ phần, tương đương 11,88% vốn điều lệ tại giá khởi điểm 13.000 đồng.

Trường hợp bán không hết khi đấu giá công khai thì chuyển sang phương thức bán thoả thuận, nếu vẫn không thành công thì đề nghị Thủ tướng phê duyệt phương án bán cho nhà đầu tư chiến lược. Căn cứ vào kết quả này, tập đoàn mới tổ chức đợt bán cho người lao động, tổ chức công đoàn và nhà đầu tư chiến lược theo nguyên tắc không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của đợt đấu giá công khai.

Giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hóa là 49.224 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước mà tổ chức đại diện là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm giữ là 47.290 tỷ đồng. Đóng góp lớn trong số này là quỹ đất rộng 244.000 ha phân bố rộng khắp tại 18 tỉnh thành trên cả nước, thuộc quyền sở hữu của công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên, đơn vị sự nghiệp.

Trước đó, VRG xác định giá khởi điểm theo phương pháp tài sản là 12.200 đồng một cổ phần. Thông qua đơn vị xây dựng phương án cổ phần hoá là Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), giá khởi điểm được đề xuất tăng lên 13.000 đồng. Tập đoàn ước tính thu về khoảng 12.834 tỷ đồng từ việc bán cổ phần.

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tiền thân là Ban Cao su Nam bộ và chuyển thành Tổng Công ty Cao su Việt Nam (trực thuộc Bộ Nông nghiệp) từ tháng 7/1977. VRG nhận quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sau gần 30 năm hoạt động theo mô hình tổng công ty. Đến năm 2010, công ty mẹ của tập đoàn được chuyển thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay lần lượt đạt 19.900 tỷ đồng và 3.060 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và sản lượng sau cổ phần hoá dự báo đạt 15% mỗi năm. Đến năm 2020, sản lượng cao su tiêu thụ xấp xỉ 520.000 tấn, mang về 40.000 tỷ đồng doanh thu và có mức chia cổ tức 10%.

Chuyên đề