Đấu giá cổ phần doanh nghiệp cuối năm: Nhiều điểm nóng

Chiều 11/12, thời hạn cuối cùng để đăng ký thông báo chào mua cổ phần phiên đấu giá trọn lô 3,6 triệu cổ phiếu của CTCP Du lịch Kim Liên vẫn có nhà đầu tư liên hệ với báo để hỏi thủ tục đăng tin. 
Đấu giá cổ phần doanh nghiệp cuối năm: Nhiều điểm nóng

Theo thống kê sơ bộ, đã có khoảng 20 nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đăng ký chào mua cổ phiếu này. Sẽ không có gì đáng nói nếu đây chỉ là phiên đấu giá cổ phiếu thông thường, điều đáng nói ở đây là nhà đầu tư tham gia phải có tiềm lực tài chính không nhỏ vì riêng tiền đặt cọc đã lên tới trên 11 tỷ đồng, tiền trúng đấu giá (chỉ tính theo giá khởi điểm) cũng lên tới trên 130 tỷ đồng.

Trước phiên đấu giá cổ phần Khách sạn Kim Liên, một số phiên đấu giá cổ phần trọn lô khác của SCIC cũng nóng không kém. Đơn cử như phiên đấu giá CTCP Thikeco có trụ sở tại Kim Mã (Hà Nội) cũng có tới gần 20 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tham gia. Thực tế này cho thấy, những phiên đấu giá cổ phần của doanh nghiệp có tài sản tốt và tiềm năng phát triển vẫn rất nóng, cho dù thị trường thứ cấp đang được đánh giá không mấy sôi động.

Đại diện một tổ chức đăng ký chào mua cổ phần Khách sạn Kim Liên cho biết, doanh nghiệp chưa tính toán mức giá đấu. Song là nhà đầu tư tổ chức, đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bất động sản, chắc chắn, doanh nghiệp không thể “nhắm mắt” mua cổ phần bằng bất cứ giá nào.

Do các nhà đầu tư vào Khách sạn Kim Liên đều nhắm đến khu đất vàng 3,5 héc-ta tại trung tâm Thủ đô Hà Nội, nên giá bỏ thầu sẽ phải tính toán trong mối tương quan với việc phát triển dự án bất động sản trên khu đất này. Nhà đầu tư rất khó để “mua chơi”, dù không loại trừ khả năng có nhà đầu tư mua đi, bán lại để kiếm lời.

Theo kế hoạch đấu giá được công bố vào đầu tháng 12 trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), tháng cuối cùng của năm 2015 sẽ có 7 phiên IPO và 6 phiên bán bớt phần vốn Nhà nước. Dữ liệu thống kê của hai sở GDCK cho thấy, các phiên đấu giá cổ phần của DNNN có tiềm năng đều rất đắt hàng, ngược lại DN được đánh giá kém, cổ phiếu ế chỏng chơ. Chẳng hạn, In Trần Phú đấu giá gần 11 triệu cổ phần thì có 17 nhà đầu tư tham gia đăng ký mua với số lượng được đăng ký 29,6 triệu đơn vị, gấp gần 3 lần lượng cổ phần mang ra đấu giá.

Tổng số tiền thu về sau phiên IPO gần 112 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và đầu tư Hà Nội đấu giá 5,6 triệu cổ phần, nhưng lượng đặt mua lên tới 20,4 triệu đơn vị, gấp 3,7 lần lượng cổ phần chào bán.

Giá đấu thành công bình quân 15.100 đồng/CP, gấp 1,5 lần giá khởi điểm, tổng số tiền thu về gần 85 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Hải Dương chỉ đưa ra chào bán gần 2 triệu cổ phần nhưng lượng cổ phần các nhà đầu tư đăng ký mua lên đến gần 5 triệu đơn vị, gấp 2,5 lần lượng chào bán. Giá trúng thầu bình quân 13.945 đồng/CP, gấp gần 1,4 lần giá khởi điểm, tổng số tiền thu về gần 28 tỷ đồng.

Trong khi đó, “ế” nhất là phiên IPO của Công ty mẹ Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama). Có 35,55 triệu cổ phần Lilama được mang ra đấu giá nhưng 112 nhà đầu tư tham gia chỉ đăng ký mua 1,1 triệu đơn vị, chiếm vỏn vẹn 2% tổng lượng cổ phần mang ra chào bán, số tiền thu về hơn 11 tỷ đồng.

Thực tế này cho thấy, trước khi đem hàng ra chợ, có lẽ bên bán cũng cần nắm bắt sức cầu và khẩu vị trên thị trường để điều chỉnh, gia giảm món hàng cho phù hợp.

Chuyên đề