BIDV rao bán khoản nợ gần 1.300 tỷ đồng của Vinaxuki

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty Xuân Kiên Vinaxuki và Vinaxuki Thái Nguyên là 4 tài sản gồm bất động sản, máy móc thiết bị và mỏ quặng, với gần 1.300 tỷ đồng.
Mẫu xe của Vinaxuki
Mẫu xe của Vinaxuki

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa phát đi thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ như sau của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên.

Theo đó, tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty Xuân Kiên Vinaxuki và Vinaxuki Thái Nguyên là 4 tài sản gồm bất động sản, máy móc thiết bị và mỏ quặng.

Cụ thể, tài sản thứ nhất là 138.814,7m2 đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội. Thứ hai là máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh. Thứ ba là quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Cuối cùng là tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.

Giá khởi điểm của khoản nợ này bằng gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm BIDV thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên. Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2019 là 1.265 tỷ đồng.

BIDV cho biết sẽ có văn bản thông báo kết quả cho tổ chức đấu giá được lựa chọn, những đơn vị không được thông báo kết quả được hiểu là không được lựa chọn và ngân hàng không hoàn trả hồ sơ với những đơn vị không được lựa chọn.

Còn nhớ, năm 2015, Công ty Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki bất ngờ gửi văn bản tới một số ngân hàng và các chủ nợ, về việc công ty sẽ phải bán nhà máy sản xuất ôtô tại Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ.

Thời điểm đó, theo Vinaxuki, tất cả tài sản thuộc nhà máy đã thế chấp hết cho tất cả các ngân hàng và tổ chức, cá nhân bao gồm quyền sử dụng đất, nhà xưởng và máy móc thiết bị... Những tài sản trên đang trong thời gian chuyển nhượng, bán để trả nợ theo cam kết của hội đồng quản trị Vinaxuki.

Vinaxuki từng được một số ngân hàng đánh giá cao hiệu quả hoạt động của công ty trong lĩnh vực sản xuất xe tải nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn 2003-2010.

Tuy nhiên, lý do khiến hàng loạt ngân hàng từ chối rót vốn tiếp cho Vinaxuki là doanh nghiệp này tiến hành đầu tư sang sản xuất xe tải nặng và khai thác mỏ. Vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn lực không đủ nên Vinaxuki bị mất cân đối tài chính.

Vinaxuki đầu tư vào làm xe con từ năm 2009, công ty đã có lãi và giai đoạn ấy cũng từng có đối tác muốn tham gia góp vốn cùng làm ăn, song tất cả đã dừng lại vào năm 2012 do công ty gặp khó khăn về vốn.

Lãnh đạo công ty này từng chia sẻ với báo giới rằng công ty không được vay vốn dài hạn mà phải vay ngắn hạn với lãi suất cao. Lúc bình thường vay vốn ngắn hạn, quay vòng trả nợ được, nhưng vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2011-2012, sản phẩm ứ đọng, không có tiền để trả ngân hàng.

Đến năm 2013, tổng dư nợ của Vinaxuki tại 4 ngân hàng lên đến 940 tỷ đồng. Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc cho biết đã phải bán nhà cửa, vét từng đồng lấy tiền trả lãi để được tái cơ cấu từ vốn vay ngắn hạn sang dài hạn nhưng các ngân hàng cũng không cho vay nữa.

Sau đó, Vinaxuki bị đưa vào nợ xấu nhóm 4 và yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng bán.

Chuyên đề