Đấu giá tài sản nhà nước: Cần có chế tài với chủ tài sản

(BĐT) - Một cuộc đấu giá có thành công hay không, đảm bảo được tính minh bạch, công bằng và thu lại được giá trị phù hợp hay không phụ thuộc rất nhiều vào chủ tài sản, nhất là đối với tài sản có nguồn gốc nhà nước. Do đó, cần có những quy định chặt chẽ đối với chủ thể này trong đấu giá tài sản.
Việc sử dụng quyền lựa chọn tổ chức đấu giá của người có tài sản không nghiêm túc là một nguyên nhân gây ra tiêu cực trong đấu giá tài sản nhà nước. Ảnh: Ngọc Ký
Việc sử dụng quyền lựa chọn tổ chức đấu giá của người có tài sản không nghiêm túc là một nguyên nhân gây ra tiêu cực trong đấu giá tài sản nhà nước. Ảnh: Ngọc Ký

Cần điều chỉnh và quản lý người có tài sản

Trong đấu giá tài sản nói chung, đấu giá tài sản nhà nước nói riêng, những đối tượng sau trực tiếp liên quan đến công tác đấu giá tài sản: người có tài sản (chủ tài sản), tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, người tham gia đấu giá, người quyết định giá khởi điểm (công ty thẩm định giá). Trong các đối tượng trên, chủ tài sản giữ vai trò trung tâm, quyết định đến toàn bộ quá trình và hiệu quả của một cuộc đấu giá. Do vậy, tùy theo mức độ ảnh hưởng của các đối tượng mà Luật Đấu giá tài sản cần điều chỉnh hành vi của họ sao cho có hiệu quả, nếu bỏ sót một trong những đối tượng tham gia thì tính hiệu quả của Luật sẽ không cao. Luật Đấu giá tài sản cần bổ sung người có tài sản vào đối tượng điều chỉnh, vì đây là đối tượng trung tâm, quan trọng số một trong đấu giá tài sản nhà nước. Nếu Luật chỉ giao quyền cho người có tài sản mà không quy định nghĩa vụ, chế tài yêu cầu người có tài sản phải thực hiện thì khó ngăn ngừa tình trạng người có tài sản coi thường pháp luật và làm liều. 

Kiểm soát mối quan hệ giữa chủ tài sản và tổ chức đấu giá

Khoản 1 Điều 52 Dự thảo Luật quy định lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: “Người có tài sản đấu giá căn cứ tiêu chí quy định tại Khoản 2 Điều này để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản”. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc sử dụng quyền lựa chọn tổ chức đấu giá của người có tài sản không nghiêm túc là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra tiêu cực trong đấu giá tài sản nhà nước. Chẳng hạn như, khi lựa chọn tổ chức đấu giá, người có tài sản thường kèm theo những điều kiện có lợi cho mình (bán hàng có địa chỉ, đòi tỷ lệ phần %, ép tổ chức đấu giá). Nếu tổ chức đấu giá nào không đáp ứng được yêu cầu thì không được chọn.

Do vậy, cần phải điều chỉnh chặt chẽ các hành vi nêu trên. Kiến nghị cách lựa chọn: khi có giá khởi điểm, yêu cầu người có tài sản thông báo trên báo in để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, đánh giá sơ bộ theo tiêu chí quy định tại Điều 52, loại những tổ chức không đủ điều kiện (năng lực yếu, đã có những vi phạm trong tổ chức đấu giá); bốc thăm lựa chọn tổ chức đấu giá cho những đơn vị lọt vào vòng trong. Phương án lựa chọn này phù hợp với đấu giá vì các hợp đồng đấu giá thường có giá trị rất nhỏ. Mặt khác, tổ chức đấu giá bốc thăm trúng rất ít phụ thuộc người có tài sản nên không bị người có tài sản ra điều kiện như nêu trên. Tùy theo số lượng tổ chức đấu giá hiện có trong các tỉnh, thành phố mà giao UBND tỉnh, thành phố quyết định số lượng tổ chức đấu giá tham gia bốc thăm cho phù hợp, số lượng càng lớn càng tốt.

Nếu cứ làm như Dự thảo Luật Đấu giá tài sản, người có tài sản thuê tổ chức thẩm định giá, lựa chọn tổ chức đấu giá thì vô hình trung tạo điều kiện rất thuận lợi cho người có tài sản vụ lợi trong việc bán tài sản nhà nước.

Luật cần điều chỉnh và quản lý người có tài sản thật chặt chẽ; một khi ông chủ tài sản không “xơ múi” được gì thì các tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản muốn làm lệch lạc sẽ rất khó khăn. Cần có chế tài, nếu để xảy ra tiêu cực trong đấu giá thì người có tài sản cũng phải chịu trách nhiệm như tổ chức đấu giá, thậm chí cần có chế tài nặng hơn.

Chuyên đề