Đến thứ Năm tuần này, ngày 31/12/2015, thị trường sẽ biết được chính xác SCIC đã thoái vốn thành công CTCP Du lịch Kim Liên (Khách sạn Kim Liên), hay sẽ được thu về hơn chục tỷ đồng tiền bỏ cọc và phải tổ chức lại cuộc đấu giá mới. Nhưng, với mức giá đấu thắng cuộc lên tới 274.000 đồng/cổ phần, nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ có thể sẽ được tham gia đấu giá cổ phiếu này một lần nữa!
Hình như có… kho báu chôn dưới đất?
Trả lời đề nghị bình luận của ĐTCK về mức giá đấu thành công của doanh nghiệp đối thủ, một doanh nghiệp tham gia cuộc đua sở hữu chi phối cổ phần tại CTCP Du lịch Kim Liên lại nhận xét đùa: Nếu biết ngày xưa các cụ chôn khối vàng trị giá vài trăm tỷ đồng, thì bọn anh cũng cố gắng bỏ giá cao như thế!
Là một doanh nghiệp lớn có bộ phận đầu tư được đánh giá là bài bản, chuyên nghiệp, đã từng tham gia nhiều dự án lớn, nên vị này cho biết, dù có đưa ra phương án kinh doanh như thế nào thì đơn vị thắng cuộc trong lượt đấu giá vừa qua cũng khó có thể có lãi trong thương vụ đầu tư vào Khách sạn Kim Liên với mức giá này.
Bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng chỉ để sở hữu xấp xỉ 52% vốn điều lệ Công ty với tài sản đáng giá nhất là quyền khai thác thương mại trên lô đất 3,5 héc-ta, trong khi các tài sản khác của doanh nghiệp có rất ít không phải là phương án hợp lý.
Tham khảo một số doanh nghiệp tham gia đấu giá, mức giá phù hợp để đấu giá khách sạn Kim Liên có sự dao động không quá lớn. Đa số các ý kiến cho rằng, với tỷ suất thu nhập nội bộ (IRR) kỳ vọng 15%, lãi suất chạy từ 8%-13%/năm, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, mức giá cổ phiếu Khách sạn Kim Liên cũng không chạm được ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu.
“Bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng chỉ để sở hữu xấp xỉ 52% vốn điều lệ Công ty với tài sản đáng giá nhất là quyền khai thác thương mại trên lô đất 3,5 héc-ta, trong khi các tài sản khác của doanh nghiệp có rất ít không phải là phương án hợp lý. Ngay trong trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở đây thành tổ hợp nhà ở, thì quy mô vốn đầu tư cũng rất lớn và chủ đầu tư có xác suất chịu lỗ khá lớn”, lãnh đạo một doanh nghiệp khác tham gia đấu giá đợt vừa qua cho biết.
Trả lời câu hỏi mức giá nào là phù hợp với Khách sạn Kim Liên, vị này nói: “Tôi không muốn đưa ra con số mà công ty đã bỏ, vì không muốn gây sốc cho thị trường. Cùng là doanh nhân, chúng tôi không muốn tạo ra những ấn tượng không hay. Biết đâu doanh nghiệp trúng thầu có phương án kinh doanh nào đó đủ hấp dẫn, hoặc cũng có thể, chúng tôi sẽ được tiếp tục tham gia đấu giá lần sau”.
Sự hưng phấn quá đà?
Một vấn đề được nhiều người quan tâm trong suốt thời gian vừa qua, đó là doanh nghiệp thắng đợt đấu giá này có thực hiện quyền đấu giá, hay sẽ bỏ cọc? Trong quá khứ, đã có nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận mất cọc vì trả giá không tưởng cho cổ phiếu doanh nghiệp, do sự hưng phấn quá đà.
Còn nhớ, ngày 30/1/2007, trong đợt tăng gần như “điên loạn” của TTCK, 253 nhà đầu tư cá nhân sau giây phút hân hoan vì mua được cổ phiếu của CTCP Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi) với mức giá bình quân 185.269 đồng/cổ phiếu đã nhanh chóng chuyển sang trạng thái khóc ròng. Bởi, dù hoạt động kinh doanh hiệu quả, mức giá này vẫm quá đắt so với định giá cổ phiếu.
Cuối cùng, chỉ có hơn 10% số cổ phần đặt mua được nhà đầu tư thực hiện quyền. Phần còn lại, có số tiền cọc lên tới 12 tỷ đồng, được các nhà đầu tư “tặng lại” cho đơn vị chào bán và ở lần chào bán sau, mức giá đấu thành công chỉ bằng 1/3 mức giá đấu thành công đợt 1.
Việc có đông nhà đầu tư tham gia cho thấy sức hấp dẫn của doanh nghiệp được chào bán cổ phần. Thế nhưng, nếu chỉ vì tương quan đó, mà nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để tham gia vào một doanh nghiệp, thì lại là câu chuyện… buồn cười.
Còn nhớ, giai đoạn 2009, khi nhà đầu tư ngoại lên kế hoạch rút khỏi một dự án nằm trong danh mục công trình lớn tại Hà Nội, trên báo chí xuất hiện cuộc đua của 2 doanh nghiệp niêm yết, cùng thể hiện quyết tâm sẽ nắm lại bằng được dự án này.
Thế nhưng, khi cuộc chiến trên báo giới mới chỉ bắt đầu, lãnh đạo một doanh nghiệp đã chia sẻ: “Công ty chỉ tham gia… lấy vui thôi, chứ không nhận về dự án này đâu, vì với thiết kế được phê duyệt, dự án chắc chắn lỗ”.
Và kết quả là, sau những tuyên bố hùng hồn trên báo chí, doanh nghiệp đối thủ đã ôm trọn dự án với giá cao ngất ngưởng mà không biết rằng, đối thủ của mình chỉ trả giá bằng giá khởi điểm, để đến bây giờ, sau 6 năm ôm dự án, mọi thứ vẫn bất động. Thà mất trên 100 tỷ đồng lãng phí, còn hơn ném thêm hơn 1.000 tỷ đồng nữa mà phương án thu hồi hầu như không có.
Đó là câu chuyện của quá khứ. Gần đây nhất, việc Tân Hoàng Minh xin hủy kết quả đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1, TP. HCM cũng được thị trường cho rằng, nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp phát hiện ra mình đã bị hớ trong thương vụ này.
Trở lại câu chuyện Khách sạn Kim Liên, liệu doanh nghiệp thắng đấu giá có bỏ cuộc? Một phép so sánh đơn giản, người thắng cuộc chấp nhận trả cao hơn tới gần 380 tỷ đồng so với người mua trả giá cao thứ 2, khoảng trên 600 tỷ đồng so với trung bình giá mua của nhóm trả giá cao thứ 3 và gấp khoảng 5 lần so với những người mua trả giá ở khoảng trung bình. Những con số này gấp rất nhiều lần số tiền cọc 11,2 tỷ đồng mà họ có thể mất.
Vậy, 1.000 tỷ đồng có phải là con số của sự hưng phấn quá đà? Và liệu có một cuộc đấu giá cổ phiếu Khách sạn Kim Liên lần nữa, hay sẽ có một kho báu được phát lộ?