Đau đầu giải quyết ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

(BĐT) - Đã có hàng chục ý kiến và tham luận được đưa ra tại Hội thảo bàn về giải pháp giải tỏa ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 7/11, tuy nhiên để chốt lại một phương án tối ưu thì không phải dễ.
Ảnh: Thanh niên
Ảnh: Thanh niên

Phá thế độc đạo đường Trường Sơn

Theo TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đề xuất 22 dự án nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Các dự án đó thực chất là các biện pháp cụ thể, mang tính kỹ thuật, tuy nhiên sau gần 2 năm thực hiện, tình hình dường như không được cải thiện mà còn có chiều hướng xấu đi. Điều đó chứng tỏ các giải pháp kỹ thuật đó chưa phát huy hết tác dụng hoặc hiệu quả rất thấp.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần phân loại các nhóm dự án theo mục tiêu nhằm tránh được tình trạng đầu tư dàn trải và nhằm xác định các nhóm dự án cần ưu tiên đầu tư và thứ tự thực hiện một cách hợp lý hơn.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, tình trạng mượn đường Trường Sơn hiện nay (70% xe máy, 62% xe hơi) đóng vai trò chính trong gây ùn tắc giao thông, nên mục tiêu cần làm lúc này là phải phá thế độc đạo của tuyến đường. Hoặc có thể nghiên cứu cách hạn chế tạm thời tình trạng mượn đường của các phương tiện bằng giải pháp thu phí trong thời gian chờ thực hiện dự án đối với xe hơi từ hai đầu đường Trường Sơn.

Vấn đề ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ do lưu lượng vận tải vào ra sân bay, mà còn liên quan đến lưu lượng giao thông rất lớn thường xuyên qua khu vực này. TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, việc mở đường song hành với đường Cộng Hòa là rất cấp thiết. Tuyến đường này bắt đầu từ đường Trần Quốc Hoàn, theo đường Phan Thúc Duyện đi tiếp sát tường rào sân bay và nối vào đường Trường Chinh, lộ giới đảm bảo 6 làn xe, tức rộng khoảng 25 - 30m. Đây sẽ là tuyến đường có hiệu quả rất cao đối với sự phát triển của ngành hàng không và của TP.HCM cũng như an ninh quốc phòng. 

Cần giải pháp mang tính hệ thống và căn cơ

Tại Hội thảo, một vấn đề được nhiều đại biểu đồng thuận là ùn tắc giao thông ở cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất không phải là vấn đề cục bộ của riêng khu vực và cũng không thuần túy chỉ thuộc ngành giao thông vận tải, mà là hệ quả của nhiều lĩnh vực phát triển đô thị, từ chiến lược phát triển, đến quy hoạch đô thị, tổ chức giao thông, đặc điểm và tập quán hoạt động kinh tế, văn hóa giao thông và môi trường sinh thái. Cho nên, phải đứng trên quan điểm này thì mới giải quyết vấn đề một cách có hệ thống và căn cơ.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không cho rằng, có những quan niệm sai lầm khi cho rằng, muốn phải triển đô thị thì phải đưa sân bay ra bên ngoài để tránh ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không phải như vậy, bởi sân bay không thể tách rời khỏi Thành phố. Do đó, sân bay Tân Sơn Nhất cần phải dung hòa, kết nối với miền Đông, miền Tây, Quốc lộ 1, Tây Ninh và với các nơi khác ở bên ngoài thì “điểm đen” về ách tắc giao thông này mới được tháo gỡ.

GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, hiện Bộ Giao thông vận tải đang thuê tư vấn Pháp nghiên cứu các phương án cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để trình Chính phủ quyết định vào tháng 12/2017. “Giải pháp tổng thể mà chúng tôi đề xuất là một vành đai đường chuyên dụng trên mặt đất kết hợp với đường trên cao khép kín vòng quanh sân bay. Vành đai này được kết nối với các hướng tiếp cận từ các trục đường nối với đường Vành đai 2 hiện nay, thuận lợi cho việc tiếp cận của hành khách từ các tỉnh, thành phố trong vùng thông qua các cửa ngõ như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Quốc lộ 13… Tuyến đường này chủ yếu chạy sát hàng rào sân bay ở những đoạn cho phép và có thể vòng rộng ra một số khu vực xung quanh sân bay, những nơi có thể xây dựng được. Các phương tiện giao thông khi lên tuyến đường này chỉ để tiếp cận các nhà ga trong sân bay và sẽ bị thu phí”.

Chuyên đề