Đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững

(BĐT) - Ngay trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo bổ sung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và quý đầu năm 2018. 
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Trong các giải pháp điều hành thời gian tới, Chính phủ nhấn mạnh những giải pháp để bảo đảm tăng trưởng ổn định, bền vững trong trung và dài hạn.

Tăng trưởng cao nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo

Nhìn lại năm 2017, theo báo cáo của Chính phủ, kết quả nổi bật nhất là kinh tế tăng trưởng đột phá và ấn tượng, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay trên nền lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (dưới 4%) và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Nền kinh tế tăng trưởng đồng đều và khởi sắc trên các ngành, lĩnh vực, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, cao nhất trong 7 năm gần đây; các ngành dịch vụ đạt khá; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục mới, xuất siêu bằng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô, và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.

Quý đầu của năm 2018, nền kinh tế tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, tốc độ tăng trưởng quý I đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, diễn biến kinh tế năm nay sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần theo các quý với tốc độ tăng trưởng của quý I cao nhất do nền tăng trưởng GDP năm 2017 đã ở mức cao.

Ngành khai khoáng có thể tiếp tục giảm do sản lượng khai thác giảm, đặc biệt là sản lượng dầu thô dự kiến giảm 2 triệu tấn so với năm 2017; kết hợp với dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển có khả năng gặp khó khăn do đã trải qua đỉnh tăng trưởng của năm 2017; thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng trong khối ASEAN giảm... có khả năng tác động làm giảm tăng trưởng GDP năm 2018. Động lực tăng trưởng chủ yếu, có khả năng tạo bứt phá, là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, quý I/2018, sự bứt phá của GDP đem lại kỳ vọng lớn, nhưng đồng thời cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại của năm. Ủy ban Kinh tế chỉ ra, ngoài hai lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu đã có đóng góp quan trọng trong thời gian qua, chúng ta vẫn chưa phát huy đầy đủ tiềm năng của các lĩnh vực khác cũng như khả năng đóng góp của từng vùng kinh tế trọng điểm và một số địa phương được xác định là các cực tăng trưởng của đất nước để hỗ trợ cho tăng trưởng GDP. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2018 tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017 nhưng áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn, trong đó chủ yếu là từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) và giá thực phẩm, đồng thời cần quan tâm đến sự tác động của giá dầu tăng và của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đến tỷ giá… 

Hướng tới tầm nhìn dài hạn

Nhận định rõ tình hình cũng như các hạn chế, yếu kém, báo cáo của Chính phủ đã xác định một trong những trọng tâm điều hành trong những tháng còn lại của năm 2018 là phải kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu, duy trì nỗ lực chung của toàn hệ thống.

Trong đó, Chính phủ nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, trong khi độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn, quy mô kinh tế còn nhỏ, khả năng chống chịu của nền kinh tế và hệ thống tài chính quốc gia trước các cú sốc lớn còn hạn chế, cần thay đổi cách tiếp cận hướng tới tầm nhìn mang tính tổng thể và dài hạn hơn.

Đối với năm 2018, do hiệu ứng tích tụ của chính sách tiền tệ những năm qua, cùng với áp lực về tỷ giá, lạm phát do tác động từ tình hình thế giới như đã phân tích ở trên, bên cạnh việc kiên định thực hiện các giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, cần lưu tâm thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng hơn, không đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách mở rộng tín dụng, ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất, thay vì tạo áp lực bắt buộc giảm lãi suất đối với hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, tuy nhiên phấn đấu giảm lãi suất ở phân khúc một số lĩnh vực ưu tiên…

Các chính sách tài khóa, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khơi thông các động lực tăng trưởng mới… cũng được Chính phủ đưa ra các giải pháp để có những bước cải thiện thực chất, đột phá hơn trong thời gian tới.

Chuyên đề