“Đại gia” khoáng sản Ngọc Linh và khoản nợ xấu hơn 2.000 tỷ

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết đang lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh. Chỉ tính riêng số dư nợ lãi, phí phạt Ngọc Linh phải trả cho BIDV đã lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Công ty TNHH Ngọc Linh là chủ đầu tư Dự án Công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở tại số 161 Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Nhã Chi
Công ty TNHH Ngọc Linh là chủ đầu tư Dự án Công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở tại số 161 Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Nhã Chi

Khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh được bảo đảm bằng các công trình dự án, tòa nhà, công trình xây dựng, các bất động sản khác gắn liền với đất, các phương tiện, máy móc, thiết bị và mọi bất động sản khác được xây dựng, mua của Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn (diện tích 643.885,2 m2, thời hạn sử dụng đến ngày 26/9/2057).

Bên cạnh đó, quyền sử dụng và khai thác tài nguyên các mỏ nguyên liệu, Nhà máy Tuyển quặng, toàn bộ máy móc, thiết bị phục vụ cho việc khai thác mỏ và vận hành Nhà máy cũng là tài sản bảo đảm của khoản nợ.

Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có 2 bất động sản khác, gồm: quyền sử dụng 14.500 m2 đất tại xã Lạc Hồng, huyện Mỹ Văn (nay là huyện Văn Lâm), tỉnh Hưng Yên (đất nông nghiệp, hiện chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của ông Vũ Đức Tuấn và bà Trần Thị Vui tại địa chỉ 381 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Giá trị của khoản nợ đấu giá bao gồm: nợ gốc, lãi vay và lãi phạt tính đến ngày 30/11/2020 là 2.392,7 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc gồm 1.110 tỷ đồng và hơn 11,8 triệu USD (tương đương hơn 276,5 tỷ đồng); dư nợ lãi, phí phạt hơn 857 tỷ đồng và hơn 6,4 triệu USD (tương đương 149 tỷ đồng).

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Ngọc Linh được thành lập vào cuối năm 1993, trụ sở đặt tại số 381 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Đức Tuấn (sinh năm 1953). Ông Tuấn và bà Trần Thị Vui là những cổ đông sáng lập của Công ty. Hiện Công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, với 3 cổ đông góp vốn gồm Vũ Đức Tuấn (94,9%), Trần Thị Vui (0,02%) và Nguyễn Duy Phước (5%).

Dự án Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn công suất 30.000 tấn/năm của Công ty được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007 với tổng vốn đầu tư 789 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có là 180 tỷ đồng, còn lại là vốn vay. Đến năm 2018, dự án này đã thay đổi giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 8, tổng vốn đầu tư tăng lên 2.170 tỷ đồng (vốn góp của Công ty là 355,8 tỷ đồng, chỉ chiếm 16%). Một số phân xưởng của Nhà máy đã đi vào hoạt động từ tháng 3/2018.

Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản, Ngọc Linh còn là chủ đầu tư Dự án Công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở tại số 161 Yên Phụ (trước đây là số 151 Yên Phụ), phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án nhiều năm chưa được khởi công do vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo tìm hiểu, cuối năm 2004, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 9766/QĐ-UB về việc cho phép Công ty TNHH Ngọc Linh làm thủ tục nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có tính chất kinh doanh tại 151 Yên Phụ.

Đến tháng 7/2007, UBND Hà Nội tiếp tục có Quyết định 2867/QĐ-UB cho phép Công ty TNHH Ngọc Linh được phép sử dụng 3.931 m2 đất tại 151 Yên Phụ để thực hiện Dự án Xây dựng khu cây xanh kết hợp sân thể thao và công trình dịch vụ có tính chất kinh doanh. Tháng 11/2013, Ngọc Linh ký Hợp đồng thuê đất số 571/HĐTĐ với UBND TP. Hà Nội.

Đến tháng 8/2019, Ngọc Linh có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội về việc xin chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở số 151 Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.

Chuyên đề