Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. |
Chiều ngày 28/5, tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã dành hơn 10 phút để giải trình về những vấn đề thuộc ngành giao thông.
Cổ phần hoá 137 doanh nghiệp giao thông
Bộ trưởng khẳng định, chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước ở các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn là một chủ trương đúng đắn. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tập trung rất cao để chúng ta đẩy nhanh công tác cổ phần hóa.
"Nếu các doanh nghiệp Nhà nước chúng ta cổ phần hóa tốt, chúng ta chuyển sang cơ chế công ty cổ phần chuyển sang một mô hình quản lý mới tốt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao", ông Thể đánh giá.
Bộ trưởng cho biết, giai đoạn 2011 - 2016, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, trong đó theo phê duyệt của Chính phủ là 67 đơn vị. Trong 137 doanh nghiệp có 12 đơn vị là tổng công ty, phần còn lại là các doanh nghiệp trực thuộc các tổng công ty.
Đối với Bộ Giao thông Vận tải khi cổ phần hóa 137 đơn vị, tất cả các công ty khi niêm yết và bán, giá bán được cao hơn giá niêm yết, do đó lợi nhuận đem lại tương đối cao. Cụ thể khi cổ phần hóa 12 tổng công ty, giá trị ban đầu nêu ra chỉ là 2.153 tỷ đồng, thực tế cổ phần hóa được 2.785 tỷ đồng, thặng dư là 632 tỷ đồng. Còn 133 doanh nghiệp thuộc các tổng công ty chúng ta không cần nắm giữ cổ phần hóa giá trị thu về được 4.184 tỷ đồng, thặng dư 1.280 tỷ đồng, vì lúc đó niêm yết chỉ 2.904 tỷ đồng.
"Khi IPO chúng tôi tiến hành cổ phần hóa và bán ngay từ ban đầu, cổ phiếu của các công ty nhà nước chuyển qua công ty cổ phần được giá rất cao", ông cho biết.
Nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp tư nhân nếu thành lập doanh nghiệp mới họ cần có thời gian, kinh nghiệm để tham gia các gói thầu. Còn các công ty, tổng công ty nhà nước của ngành giao thông chúng tôi có lịch sử lâu dài, có truyền thống tham gia những công trình, dự án lớn, do đó khi cổ phần hóa doanh nghiệp mới sẽ hoạt động rất hiệu quả vì đã có thâm niên, đã có những công trình tương tự, có hồ sơ, kinh nghiệm để có thể tham gia đấu thầu.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nhà nước không được tham gia vào một số gói thầu do một số nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu, một số gói thầu ODA không cho doanh nghiệp nhà nước tham gia. Nếu chuyển qua mô hình cổ phần thì những doanh nghiệp này có thể tham gia đấu thầu sòng phẳng với các doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp nước ngoài.
"Từ năm 2011 đến năm 2016, chúng tôi lấy 18 tổng công ty mà chúng tôi đã cổ phần, trong đó có thể có số liệu là doanh thu thì tăng không nhiều, khoảng 15% thôi, nhưng lợi nhuận sau thuế, do chúng ta quản trị tốt, tăng lên tới 194%, nghĩa là bình quân mỗi năm tăng tới 40%, còn thu nhập của người lao động tăng 32% trong vòng 4 năm", Bộ trưởng báo cáo.
Đại biểu "trao đổi lại"
Sau phần phát của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã dùng quyền tranh luận với Bộ trưởng và đề nghị xem xét lại 2 doanh nghiệp cổ phần hoá là Tổng Công ty Vận tải thuỷ Việt Nam và Công ty CP Hàng hoá Nội Bài.
"Tôi xin được phép trao đổi lại với đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, lúc đó thì đồng chí chưa làm Bộ trưởng nhưng vì trách nhiệm của một tư lệnh ngành thì tôi xin được phép với tư cách là một đại biểu Quốc hội, tôi xin được trao đổi lại", ông Nhưỡng nói.
Đại biểu Nhưỡng nêu hai trường hợp "để mong Bộ trưởng về cho kiểm tra lại một cách hết sức nghiêm túc".
"Tại kỳ họp thứ ba, tôi đã có ý kiến với đồng chí Tổng Thanh tra chính phủ Phan Văn Sáu lúc đó là phải xem xét lại vấn đề cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy Việt Nam, trong đó tại sao 10 doanh nghiệp nhà nước với hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản của nhà nước mà chỉ được định giá 327 tỷ đồng, tức là chỉ tương đương với một căn nhà tại phố cổ Hà Nội, rất nhiều người bức xúc và người đứng đơn trực tiếp tố cáo nguyên là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc cảng Hà Nội", ông Nhưỡng nói.
Theo ông Nhưỡng, vừa qua kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo người ta rất bất bình, bởi cho rằng không có vấn đề gì xảy ra, thậm chí còn nói rằng không tiếp cận nổi các tài liệu về cổ phần hóa, quên cả nhà đầu tư chiến lược và thậm chí bây giờ tài sản không những hạ giá thấp mà còn có một vấn đề nữa là để ra ngoài một khối tài sản khác không đưa vào cổ phần hóa, giống như loại quỹ đen của cổ phần hóa.
"Chỗ này tôi đề nghị đồng chí về cho xem xét một cách hết sức nghiêm túc", ông nhấn mạnh.
Trường hợp thứ hai được ông Nhưỡng nhắc tới là cổ phần hoá Công ty cổ phần hàng hóa Nội Bài thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
"Người ta nói cổ phần hóa lúc nào đến họ cũng không biết, lãnh đạo cũng ngỡ ngàng, một công ty đang làm ăn cực tốt để đến bây giờ lại phải đi thuê lại tài sản của chính công ty được cổ phần hóa theo sự chỉ định này, hàng năm phải bỏ hàng trăm tỷ đồng ra để thuê lại", ông Nhưỡng nêu.
Đồng thời nhấn mạnh: "Tôi không biết như thế nhà nước có được gì không, nhân dân có được gì không, hiệu quả của 137 doanh nghiệp được cổ phần hóa như thế nào, đề nghị đồng chí xem xét lại".