Đa số người Mỹ ủng hộ hành động quân sự với Triều Tiên

Khảo sát cho thấy phần lớn người Mỹ ủng hộ hành động quân sự với Triều Tiên, nếu các biện pháp kinh tế và ngoại giao không có kết quả.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh:KCNA.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh:KCNA.

Theo kết quả khảo sát do Gallup thực hiện, 58% trong hơn 1.000 người Mỹ tham gia thăm dò cho hay họ ủng hộ hành động quân sự với Triều Tiên nếu Washington không thể đạt được các mục tiêu cần thiết khi theo đuổi những giải pháp hoà bình, Reuters ngày 15/9 đưa tin.

Tuy nhiên, ý kiến của người tham gia khảo sát cũng khác biệt dựa theo quan điểm chính trị. Nếu 82% người theo đảng Cộng hòa ủng hộ giải pháp quân sự thì chỉ có 37% người theo đảng Dân chủ hưởng ứng. Trong khi đó, 56% người có quan điểm chính trị độc lập ủng hộ hành động quân sự.

Mặt khác, phần lớn người Mỹ vẫn nghi ngờ trước khả năng quân đội nước này sẽ tấn công Triều Tiên trong 6 tháng tới và cho rằng Bình Nhưỡng chỉ đang hù dọa.

Khảo sát được thực hiện qua điện thoại, từ ngày 6/9 đến 10/9, với sai số 4 điểm phần trăm. Kết quả thăm dò hồi năm 2003 cho thấy chỉ có 43% người tham gia khảo sát ủng hộ phương án quân sự với Triều Tiên.

Triều Tiên hôm qua phóng tên lửa đạn đạo từ một vị trí gần Sunan, Bình Nhưỡng, về phía biển Nhật Bản. Tokyo cho biết tên lửa Triều Tiên bay qua Hokkaido và rơi xuống khu vực cách đó 2.000 km về hướng đông. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và quân đội Hàn Quốc tin rằng đây là tên lửa đạn đạn tầm trung, giống loại Hwasong-12 được phóng hồi tháng 8. Nhưng Ngoại trưởng Nhật Taro Kono tin nó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có tầm phóng lớn hơn nhiều.

Phản ứng trước sự việc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên án mạnh mẽ vụ phóng của Triều Tiên, đồng thời cảnh báo nước này hoàn toàn có khả năng phá hủy Triều Tiên đến mức "không thể khôi phục" nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có hành vi khiêu khích.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, có biện pháp mới nhằm vào Triều Tiên, cảnh báo những hành động tương tự "chỉ khiến Bình Nhưỡng thêm cô lập về kinh tế và ngoại giao".

Chuyên đề