Đà Nẵng phân cấp, ủy quyền rút ngắn thủ tục mua sắm công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, một gói thầu từ khi thông báo mời thầu đến phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trung bình mất tới 2 năm, trong đó, 18 tháng dành để hoàn thiện thủ tục. Thực trạng này kỳ vọng sẽ kết thúc khi Đà Nẵng vừa thông qua Nghị quyết phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Vật tư, thuốc men… của hệ thống bệnh viện tại TP. Đà Nẵng hiện nay sử dụng của các gói thầu thời hạn 24 tháng, được duyệt từ tháng 8/2021. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Vật tư, thuốc men… của hệ thống bệnh viện tại TP. Đà Nẵng hiện nay sử dụng của các gói thầu thời hạn 24 tháng, được duyệt từ tháng 8/2021. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Nêu thực trạng đang diễn ra trong lĩnh vực mua sắm của ngành y tế Đà Nẵng, bà Trần Thanh Thuỷ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP. Đà Nẵng cho biết: “Từ tháng 6/2022 đến nay, ngành y tế Thành phố tiếp nhận 53 gói thầu của các đơn vị trực thuộc với tổng giá trị hơn 800 tỷ đồng. Với khối lượng hàng hoá cần mua sắm đó, dù đã huy động thêm 70 - 80 cán bộ, nhân viên chuyên trách chia ra xử lý hồ sơ nhưng vẫn không đảm bảo được tiến độ”.

Theo bà Thủy, đến nay, Sở Y tế mới phê duyệt 7 gói thầu (dưới 2 tỷ đồng/gói) và trình 3 gói thầu xin ý kiến Sở Tài chính về giá. Như vậy, chỉ có 10 gói thầu trên tổng số 53 gói thầu được xử lý.

“Trong số các gói thầu mà Sở đang thẩm định và tiến hành lựa chọn nhà thầu, có gói thầu trị giá trên 200 tỷ đồng, nếu quy trình mua sắm như hiện nay thì chưa biết bao giờ mới có hàng hóa cho các bệnh viện sử dụng cho bệnh nhân. Vì vậy, cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ mua sắm tại các đơn vị”, bà Thủy đề nghị.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Đà Nẵng chưa phê duyệt một dự toán, gói thầu mua sắm nào. Vật tư, thuốc men… của hệ thống bệnh viện tại TP. Đà Nẵng hiện nay sử dụng của các gói thầu thời hạn 24 tháng, được duyệt từ tháng 8/2021.

“Đang có hàng chục gói thầu của các bệnh viện trị giá hàng nghìn tỷ đồng chờ được đấu thầu, nhưng nếu tiếp tục theo phương pháp đang áp dụng thì không biết đến khi nào mới mua sắm xong”, ông Minh trăn trở.

Về phương pháp đang áp dụng, ông Minh dẫn chứng cụ thể, quy trình mua sắm một gói thầu 10 tỷ đồng tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng bao gồm: thành lập hội đồng gồm toàn bộ cơ quan chuyên môn, hoàn thiện hồ sơ mất 6 tháng. Sau đó, Bệnh viện gửi hồ sơ lên, Sở Y tế lại thành lập hội đồng, mất thêm 6 tháng nữa. Sở Y tế trình lên, Thành phố giao Sở Tài chính lập hội đồng thẩm định giá nhà nước, lại mất thêm 6 tháng.

Để rút ngắn thời gian, ông Hồ Kỳ Minh cho biết, UBND Thành phố đã đề nghị HĐND TP. Đà Nẵng thông qua Nghị quyết về phương pháp mới cho phép phân cấp thẩm quyền ký dự toán mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Khi phương pháp mới được áp dụng, gói thầu sẽ được trình thẳng lên lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng. Lãnh đạo UBND Thành phố sẽ kiểm tra, theo dõi và giao trực tiếp cho Sở Tài chính thành lập hội đồng thẩm định giá, cắt bớt các khâu trung gian. “Thẩm định giá nhà nước xong, đến bệnh viện và thủ trưởng đơn vị trực tiếp mua sắm ký dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Như vậy, nếu làm chặt chẽ, đúng quy trình, thay vì mất từ 18 - 24 tháng làm thủ tục, sẽ rút ngắn còn 6 - 9 tháng”, ông Minh phân tích.

Ông Lương Công Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc HĐND TP. Đà Nẵng nhận xét, phương pháp mới sẽ có một số cái lợi: rút ngắn đầu mối, rút ngắn thời gian, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, địa phương... Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, trong quá trình thực hiện cần thanh tra, kiểm tra chặt chẽ.

Trước những đề xuất và phân tích trên, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công (phương pháp mới) thuộc phạm vi quản lý của TP. Đà Nẵng thay thế Nghị quyết số 150/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 và Nghị quyết số 64/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND TP. Đà Nẵng. “HĐND Thành phố đã giao UBND Thành phố chỉ đạo quyết định phương án xử lý với các gói thầu đang thực hiện dở dang hoặc đã được các cơ quan dự toán gửi hồ sơ cho sở chuyên ngành theo hướng, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả nhanh nhất để kịp thời phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội”, ông Triết thông tin thêm.

Chuyên đề