Đà Nẵng đối mặt nguy cơ cạn kiệt nước ngầm

Trước thực trạng lượng nước ngầm sụt giảm ở nhiều nơi đến mức báo động, Đà Nẵng đang nỗ lực để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Nguồn nước ngầm tại Đà Nẵng đang có nguy cơ suy giảm và ô nhiễm do khai thác quá mức. Ảnh: VGP
Nguồn nước ngầm tại Đà Nẵng đang có nguy cơ suy giảm và ô nhiễm do khai thác quá mức. Ảnh: VGP

Chiều 22/3, TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Đề xuất giải pháp khai thác, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các sở, ban, ngành của Thành phố.

Trong những năm qua, nhu cầu dùng nước trên địa bàn TP. Đà Nẵng cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ không ngừng gia tăng dẫn đến việc khai thác các nguồn nước mặt, nước dưới đất để sử dụng ngày càng nhiều.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng cho biết, tổng trữ lượng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn là 231.059 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, lượng nước này phân bố trên địa bàn rộng nên không thể khai thác với quy mô tập trung để cấp nước.

Theo dự báo, nhu cầu dùng nước của Thành phố là rất lớn và không ngừng tăng lên. Cụ thể, đến năm 2020, lượng nước yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp là 90 triệu m3/năm, cho sinh hoạt là 110 triệu m3/năm, cho công nghiệp là 26 triệu m3/năm.

Trên thực tế, các hoạt động canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, khai khoáng và nước thải đô thị đã làm cho nước sông bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước diễn ra trong mùa cạn do tác động của các hoạt động trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã khiến nguồn nước mặt bị hao hụt về khối lượng và suy giảm về chất lượng. Vì vậy, nguồn nước ngầm đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng để bổ sung nguồn cung cấp nước cho TP. Đà Nẵng.

Hiện, trên địa bàn có 52 công trình khai thác nước ngầm được UBND Thành phố cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng với tổng lưu lượng tối đa là 14.091 m3/ngày đêm, tương đương với 6,1% trữ lượng tiềm năng nước dưới đất được đánh giá.

Tuy nhiên, nguồn bổ sung bị suy giảm do biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến cho tầng nước bị cạn kiệt, gia tăng khả năng nhiễm mặn, ô nhiễm nước ngầm, sụt lún công trình. Đặc biệt, ở các khu vực gần biển như quận Sơn Trà, nước biển sẽ xâm lấn dần và làm nhiễm mặn nguồn nước…

Trước tình đó, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND Thành phố quy định cụ thể khu vực hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất nhằm ngăn ngừa việc khai thác nước ngầm tại các khu vực có dấu hiệu suy giảm trữ lượng, chất lượng nước. Ngoài ra, 7 quận, huyện đã triển khai điều tra tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn.

Cụ thể, đối với các công trình khai thác nước dưới đất không thuộc diện phải cấp phép, sẽ ủy quyền cho UBND xã, phường quản lý bằng hình thức kê khai đăng ký công trình khai thác nước dưới đất; đối với các công trình khai thác nước dưới đất trái phép sẽ yêu cầu trám lấp giếng.

Ông Bùi Thọ Ninh (Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng) cho rằng để hạn chế việc khai thác nước ngầm tràn lan, Thành phố cần đầu tư hệ thống mạng lưới cung cấp nước máy bảo đảm các yêu cầu về lưu lượng, chất lượng, ổn định và liên tục cho nhu cầu hiện tại và tương lai của các tổ chức, cá nhân sử dụng, nhất là đối với các khu vực ở xa.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở khai thác, sử dụng và các cơ sở cá nhân hành nghề khai thác nước ngầm, giám sát việc trám lấp các lỗ khoan không sử dụng theo đúng quy trình kỹ thuật. Xử phạt nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Chuyên đề