Đa dạng nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội

(BĐT) - Bổ sung các chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội vào danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 cho nhu cầu phát triển nhà ở xã hội.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đây là một trong những giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, diễn ra sáng 7/12. 

Chưa đáp ứng nhu cầu

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đến nay, đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động.

Nhiều địa phương đã tích cực và có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, thực hiện nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội... Trong đó, có một số địa phương đã làm tốt công tác phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân lao động khu công nghiệp, như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Nguyên...

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, nhiều doanh nghiệp đã tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội; đã có một số dự án trở thành mô hình tốt cả về đầu tư, chất lượng nhà ở và dịch vụ, quản lý, vận hành... Đơn cử như Tổng công ty Becamex Bình Dương, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty IDICO, Công ty Samsung Thái Nguyên, Công ty Địa ốc Hoàng Quân, Công ty CP Thương mại Thủ đô... Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình, cá nhân cũng đã tích cực tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp thuê.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định, một số chương trình hỗ trợ nhà ở triển khai chậm so với kế hoạch ban đầu, chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Tính đến tháng 11/2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (tương đương 71.150 căn hộ). Như vậy, so với chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.  

Ưu tiên vốn để phát triển nhà ở xã hội

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, là việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, bố trí vốn không đủ theo tiến độ.

Đề ra giải pháp cho thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng, thuế liên quan đến nhà ở xã hội theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về thuế tài sản nhà, đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội; hình thành một số định chế tài chính, như Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở, Quỹ Phát triển nhà ở, Quỹ Đầu tư bất động sản... để tạo thêm kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn, dành để phát triển nhà ở xã hội, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tăng tín dụng cho vay ưu đãi, giảm cấp phát vốn từ ngân sách nhà nước.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND các tỉnh xây dựng chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương.

Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phải nhân rộng những mô hình đã làm tốt trong phạm vi cả nước. Đặc biệt, có những cơ chế chính sách huy động đa dạng các thành phần kinh tế đầu tư nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân.          

Chuyên đề