Đã có kịch bản kiểm soát lạm phát năm 2019

(BĐT) - Trong 3 quý còn lại của năm 2019, giá một số nhóm hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý tăng theo lộ trình, tác động tới lạm phát. Song ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, cơ quan thống kê đã có khuyến nghị tới các bộ, ngành về thời điểm tăng và mức tăng của từng nhóm hàng hóa, dịch vụ nhằm giảm tác động của giá cả lên CPI, tránh lạm phát kỳ vọng.
CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây. Ảnh: Nhã Chi
CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây. Ảnh: Nhã Chi

Tăng trưởng khá trong quý đầu tiên của năm

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn quý I/2018 nhưng lại cao hơn tăng trưởng quý I trong giai đoạn 2009 - 2017. Đánh giá về con số này, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, đây là mức tăng trưởng ấn tượng bởi không thể so sánh với tăng trưởng của quý I/2018 - khi kinh tế gặp thuận lợi trên tất cả các mặt từ nông nghiệp (có mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2015); công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo) có mức tăng trưởng tốt… “Do đó, loại trừ sự “đặc thù” do quá thuận lợi của quý I/2018 thì quý I/2019 tăng trưởng như vậy là khá cao” - ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong quý I năm nay, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017 - 2019. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần. Năng lực sản xuất được mở rộng, tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng trong những quý tiếp theo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Bích Lâm cũng thận trọng cảnh báo những khó khăn, hạn chế, thách thức cho các quý còn lại của năm 2019. Cụ thể, tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công vẫn thấp. Công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng khó duy trì tốc độ tăng như cùng kỳ năm trước trong những quý tiếp theo. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu có xu hướng giảm. Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. 

Tăng giá điện nằm trong kịch bản kiểm soát lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 theo công bố của cơ quan thống kê là giảm 0,21% so với tháng trước, bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng cục Thống kê đánh giá, đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 theo công bố của cơ quan thống kê là giảm 0,21% so với tháng trước, bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng cục Thống kê đánh giá, đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Liên quan đến điều hành giá, Tổng cục Thống kê cho biết, cơ quan thống kê đã tính toán về những tác động trực tiếp và gián tiếp của việc tăng giá điện 8,36%. Việc tăng giá điện sẽ khiến CPI năm 2019 tăng 0,29%; ở kỳ điều hành ngày 18/3 vừa qua, Liên bộ Công Thương - Tài chính tăng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu. “Ở kỳ điều hành này, Tổng cục Thống kê đã khuyến nghị không tăng giá xăng dầu vì nếu giá xăng tăng ngày 18/3, tăng giá điện ngày 20/3 sẽ gây lạm phát kỳ vọng và tâm lý hoang mang cho người dân. Việc điều hành như vậy là tránh lạm phát kỳ vọng, tránh chi tiêu và ổn định tâm lý người dân. Kể cả nếu tăng giá xăng dầu thì CPI tháng 3 vẫn "âm" từ 0,1 đến 0,2%. Tất cả kịch bản điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đều có sự phối hợp giữa các bộ, ngành" - ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

Trong những tháng cuối năm, một số nhóm hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá sẽ tăng theo lộ trình gồm: dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa, tác động từ việc tăng lương cơ sở vào ngày 1/7… Do đó, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thuộc Tổng cục Thống kê khuyến nghị, để đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới 4%, cơ quan thống kê tính toán và đề nghị không nên điều chỉnh giá dịch vụ của bất cứ mặt hàng nào trong quý II/2019 đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá; nên điều chỉnh tiền lương cơ bản vào tháng 8, điều chỉnh chi phí quản lý vào tháng 9; điều hành giá xăng dầu linh hoạt, sử dụng quỹ bình ổn hiệu quả để hạn chế tác động của yếu tố lạm phát.

Ông Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định, áp lực từ thị trường quốc tế trong năm 2019 sẽ không quá mạnh mẽ, tiêu cực như năm 2018. Do đó, mặt bằng giá của Việt Nam chủ yếu sẽ chịu những tác động từ các yếu tố trong nước như: điều chỉnh giá dịch vụ công, mặt hàng do Nhà nước quản lý giá như: điện, dịch vụ y tế, phí bảo vệ môi trường. Với sự linh hoạt trong điều hành giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá thời gian qua, ông Đặng Đức Anh dự báo, lạm phát năm nay vẫn có thể kiểm soát mức dưới 4%.

Chuyên đề