Cựu Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội kêu oan

(BĐT) - Tại phiên tòa ngày 14/5, bị cáo Phan Minh Nguyệt, nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục đề nghị HĐXX sơ thẩm xem xét lại tội danh Tham ô tài sản cho bị cáo.
Bị cáo Phan Minh Nguyệt tại phiên tòa sơ thẩm lần 1. Ảnh: st
Bị cáo Phan Minh Nguyệt tại phiên tòa sơ thẩm lần 1. Ảnh: st

Trước đó, vào tháng 12/2017, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Phan Minh Nguyệt (SN 1962) - nguyên Phó Giám đốc (PGĐ) Sở NN&PTNN Hà Nội và đồng phạm trong vụ án “Tham ô tài sản”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo buộc, bị can Phan Minh Nguyệt nguyên là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) kiêm Tổng giám đốc trong giai đoạn 2005 - 2014. Đến tháng 1/2014, Phan Minh Nguyệt được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở NN&PTNN TP. Hà Nội.

Quá trình công tác tại Hadico, Phan Minh Nguyệt đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, Phan Minh Nguyệt đã chỉ đạo cấp dưới thu 4 khoản để ngoài sổ sách sử dụng nhiều mục đích trong đó có việc chi tiêu cá nhân.

Khoản thứ nhất thu từ các ki ốt và gian nhà cấp 4 tại khu nhà kho cũ thuộc Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm (Chi nhánh của Hadico). Diện tích xây dựng là 8.400 m2. Có 100 gian nhà được ký hợp đồng cho thuê và thu tiền của 138 người, tổng số tiền là 46,8 tỷ đồng với mức 500 triệu đồng/gian (hợp đồng chỉ ghi tiền thuê nhà 15 năm là 261 triệu đồng, còn lại 239 triệu đồng/gian ngoài hợp đồng để ngoài sổ sách).

Khoản thứ hai liên quan đến việc yêu cầu nhà thầu tiết kiệm chi phí để trích lại khi thi công công trình trong nội bộ Công ty, tổng số tiền này là 2,3 tỷ đồng nhưng không được nhập quỹ để tăng vốn sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại cho Hadico.

Khoản thứ 3 là tiền cho thuê 58 gian nhà cấp 4 trên nền nhà kho và khu tập thể cũ của Xí nghiệp Thanh Trì. Tổng số tiền thu được 2,3 tỷ đồng để ngoài sổ sách, chi tiêu sử dụng theo chỉ đạo của Phan Minh Nguyệt.

Khoản thứ 4 là tiền huy động vốn của cán bộ Hadico. Từ tháng 7/2011 đến tháng 9/2011, Phan Minh Nguyệt đã vay tiền của 10 cán bộ trong Công ty với tổng số tiền 13,7 tỷ đồng. Số tiền này được giao cho bà Hảo quản lý, để ngoài sổ sách và sử dụng hết. Khi bị đòi, bị cáo Nguyệt đã trả một phần, đến nay còn nợ lại 10,5 tỷ đồng.

Trong tổng số 36,1 tỷ đồng thu từ 4 nguồn trên, có 13,7 tỷ đồng vay danh nghĩa cá nhân. Còn 22,4 tỷ đồng thu được từ hành vi vi phạm pháp luật.

Bị cáo Phan Minh Nguyệt còn bị truy tố vì đã chỉ đạo 12 nhân viên tạm ứng 36,8 tỷ đồng từ quỹ công ty. Trong đó, có 18,7 tỷ đồng, bị cáo Nguyệt lấy lý do sử dụng chuẩn bị đầu tư vào các dự án khác nhưng thực tế đã sử dụng cá nhân hết.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần trước, các bị cáo thừa nhận hành vi như cáo trạng nêu. Bị cáo Nguyệt cũng thừa nhận bản thân có sai nhưng có vài điểm trong cáo trạng truy tố không đúng, việc thu tiền 7 căn nhà ở Lĩnh Nam là giao xí nghiệp tại đó chứ không giao cho Công ty. Các nhà ở Lĩnh Nam được cấp phép xây dựng để cho thuê...

Bị cáo Phan Minh Nguyệt còn bị truy tố vì đã chỉ đạo 12 nhân viên tạm ứng 36,8 tỷ đồng từ quỹ công ty. Trong đó, có 18,7 tỷ đồng, bị cáo Nguyệt lấy lý do sử dụng chuẩn bị đầu tư vào các dự án khác nhưng thực tế đã sử dụng cá nhân hết.
Nhận thấy cần thiết phải làm rõ thêm một số tình tiết trong vụ án đối với cả 3 tội danh mà Phan Minh Nguyệt cùng đồng phạm bị truy tố, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để điều tra bổ sung. Tòa án cho rằng cần đánh giá lại bản chất hành vi tham ô để xác định tội danh một cách chính xác đối với bị cáo Nguyệt. Tuy nhiên, sau khi điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm, truy tố bị cáo Phan Minh Nguyệt tội Tham ô tài sản.

Tại phiên tòa lần này, bị cáo Phan Minh Nguyệt tiếp tục kêu oan ở tội danh tham ô. Trình bày trước HĐXX, bị cáo Nguyệt cho rằng bị cáo không làm việc với các xí nghiệp. Số tiền thu là do nhu cầu hoạt động của Công ty, đây là hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Đối với việc cho thuê nhà ở Thanh Trì, theo bị cáo Nguyệt, Giám đốc không thể tự ý làm việc mà làm vì tập thể, cán bộ có nhu cầu. Với việc đập bỏ dãy nhà kho, xây nhà cấp 4 và ki ốt cho thuê ở Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm, bị cáo Nguyệt thừa nhận có sai bởi vì chưa có giấy phép xây dựng. Nhưng bị cáo giải trình đó là vì công nhân viên có nhu cầu. Theo quy chế, Công ty đồng ý cho xí nghiệp thành viên sửa nhà. Số tiền thu về, xí nghiệp được sử dụng nhưng phải giải trình, xin ý kiến với Công ty.

Về việc tạm ứng 36 tỷ đồng, theo bị cáo Nguyệt, đây là hoạt động bình thường của doanh nghiệp, ai ứng tiền thì phải có trách nhiệm hoàn ứng.

Được biết, trong vụ án này, còn có 5 bị cáo là cán bộ Hadico gồm Nguyễn Thị Huyền Hảo (SN 1977) - cựu kế toán Hadico; Đỗ Văn Hảo (SN 1955) - cựu Phó tổng giám đốc Hadico; Đặng Thị Thanh Tâm (SN 1962) - cựu Giám đốc Chi nhánh Hadico và Dương Thị Chinh (1963) - cựu Kế toán trưởng Chi nhánh Hadico; Nguyễn Trọng Hùng (SN 1982) - cựu Giám đốc Chi nhánh Hadico.

Dự kiến phiên tòa diễn ra trong hai ngày 14 - 15/5.

Chuyên đề