Cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài gây thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng

Cơ quan điều tra xác định, hành vi sai phạm của bị can Nguyễn Thành Tài cùng đồng phạm gây thiệt hại tối thiểu 2.047 tỉ đồng.
Hành vi của bị can Nguyễn Thành Tài gây thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng.
Hành vi của bị can Nguyễn Thành Tài gây thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ qua Viện KSND tối cao đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM giai đoạn 2008-2011), Lê Thị Thanh Thúy (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Hoa Tháng Năm và Công ty Lavenue) cùng đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Thu thập hồ sơ về nông trường dừa

Bị can Nguyễn Thành Tài có quan hệ tình cảm với bị can Lê Thị Thanh Thúy nên đã ký nhanh, ký nhiều văn bản chỉ đạo, chấp thuận theo đề xuất của công ty quản lý kinh doanh nhà trái với quy định.

Cụ thể: Chấp thuận đề xuất của công ty quản ký kinh doanh nhà cho thành lập pháp nhân mới để đầu tư dự án. Chấp thuận cho công ty Hoa Tháng Năm được góp 30% vốn góp tại dự án, không thẩm định kinh nghiệm, năng lực tài chính, bản chất chuyển dịch tài sản đang thuộc quyền quản lý của Nhà nước sang tư nhân. Ký ban hành quyết định giao đất và cho thuê đất chỉ định số 8 -12 Lê Duẩn cho công ty Lavenue không đúng đối tượng. Chấp thuận cho công ty Lavenue thanh lý đất số 8 -12 Lê Duẩn mà không giao cơ quan chức năng thẩm định giá trị.

Tại thời điểm cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, hậu quả, thiệt hại và lãng phí do hành vi phạm tội của các bị can gây ra được xác định tối thiểu là 2.047 tỉ đồng.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu thập hồ sơ, tài liệu, xác minh về dự án nông trường dừa tại phường Long Trường, quận 9, TPHCM để củng cố tài liệu, chứng minh mối quan hệ tình cảm của bị can Nguyễn Thành Tài và bị can Lê Thị Thanh Thúy. Đến nay, UBND TPHCM đã đưa ra các quyết định hành chính có liên quan đến việc thu hồi khu đất nông trường dừa, hủy bỏ văn bản chấp thuận việc thoái vốn của tổng công ty du lịch Sài Gòn và báo cáo Thanh tra Chính phủ về các biện pháp khắc phục, xử lý sai phạm tại dự án.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an có văn bản đề nghị UBND TPHCM rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật liên quan đến các thủ tục pháp lý của dự án nông trường dừa, Qua đó, xem xét, xử lý kỷ luật hành chính nghiêm khắc đối với những cá nhân có sai phạm và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Quản lý tài sản công còn nhiều kẻ hở

Trong quá trình vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận thấy có sự buông lỏng quản lý, giám sát, hậu kiểm của các cơ quan Nhà nước về lĩnh vực đất đai công sản. Mặt khác, các quy định của pháp luật còn nhiều kẻ hở để cá nhân lợi dụng lách luật thực hiện các hành vi có thủ đoạn tinh vi, liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân, cố tình áp dụng không đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà, đất công sản, từng bước chuyển quyền sở hữu tài sản công thành tài sản của các doanh nghiệp tư nhân. Việc thất thoát, lãng phí về đất đai, tài sản Nhà nước không chỉ trong vụ án này mà còn xảy ra tại một ố nhà, đất công sản khác trên địa bàn TPHCM như 15 Thi Sách, 2-4-6 Hai Bà Trương, 129 Pasteur...

 Để phòng ngừa, kịp thời phát hiện các sai phạm trong công tác sắp xếp lại, xử lý tài sản công, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo, đề xuất Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài Chính và các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, quán triệt việc thực hiện nghiêm túc các quy định. Kịp thời rà soát và phát hiện các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó, chú trọng đến thủ tục pháp lý, xác định giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Việc bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thực hiện thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng chính sách để trục lợi, "lợi ích nhóm" gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách Nhà nước.

Chuyên đề