Tại Tp.HCM, giá căn hộ tăng 1,4% so với quý 1/2018. |
Thống kê của các sàn giao dịch bất động sản gửi về Bộ Xây dựng cho thấy, trong 2 quý đầu năm 2018, tại Hà Nội có khoảng 8.650 giao dịch thành công (tăng 24,6% so với cùng kỳ); Tp.HCM có khoảng 9.550 giao dịch thành công (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2017).
Tín hiệu tốt nhưng đi kèm thách thức
Trong quý 2/2018, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư có xu hướng tăng nhẹ (khoảng 0,08%) so với quý 1/2018 và giảm (khoảng 0,39%) so với cùng kỳ; trong khi đó, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 1,84% so với quý 1/2018 và tăng khoảng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017. Tại Tp.HCM, giá căn hộ tăng 1,4% so với quý 1/2018 và tăng 3,43% so với cùng kỳ; nhà ở riêng lẻ tăng tương ứng 3,24% và 10,42%.
Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm. Tính đến 20/6/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 24.072 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý 1/2013 đã giảm 104.476 tỷ đồng (giảm 81,27%); và giảm 1.310 tỷ đồng (giảm 5,16%) so với cuối năm 2017.
"Có thể nhận thấy tồn kho bất động sản ở tất cả các phân khúc đều giảm liên tục trong khoảng 3 năm trở lại, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, cùng với lượng dự án xếp hàng thi công và chờ cấp phép nhiều... là tín hiệu tốt đối với thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Giai đoạn 2018-2020, theo dự báo và yêu cầu phát triển, thị trường bất động sản tiếp tục có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Ở các đô thị lớn, đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản cả trong trung hạn và dài hạn", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định.
Cũng cùng nhận định thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi, tăng trưởng, song nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về những thách thức mà thị trường phải đối mặt. Trong đó có tình trạng "sốt ảo" vẫn còn tiếp diễn. Đặc biệt là không ít chính sách còn chưa rõ ràng và chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thị trường.
Ví như các quy định đối với những loại hình sản phẩm "con lai", gồm condotel, officetel... đang rất lúng túng; cơ chế, chính sách về nhà ở diện tích nhỏ cũng còn chưa thống nhất, còn khác nhau giữa những người vận hành, kể cả vấn đề quản lý nhà nước, tạo ra những vướng mắc trong triển khai. Hay chủ trương về nguồn vốn cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã có nhưng thực tế lại chưa có hướng dẫn và chưa có vốn để triển khai.
Tương tự, các công cụ phái sinh của thị trường bất động sản, mặc dù lên ý tưởng, lập đề án từ lâu như hệ thống tái thế chấp, ngân hàng tiết kiệm tương hỗ, quỹ đầu tư tín thác... nhưng đến nay vẫn chưa ra đời.
"Cần thiết phải có một quỹ tiết kiệm nhà ở chung giống như các nước Thái Lan, Singapore đã làm thành công. Đồng thời, phải phát triển thị trường vốn, tạo nguồn vốn trung, dài hạn và cân đối cấu trúc thị trường tài chính; tạo vốn mồi tại các quỹ tiết kiệm nhà ở, chương trình nhà ở xã hội...", ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia kiến nghị.
Thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh
Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, bộ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản; chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển; tiếp tục triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản. Tạo cơ sở dữ liệu ban đầu cho Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định.
Đặc biệt, sẽ hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ các đề án "An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội"; "Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế, chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh"...
"Hàng loạt chính sách sắp được ban hành hoặc điều chỉnh, đóng vai trò quan trọng giúp minh bạch hóa và tháo gỡ vướng mắc cho các hoạt động của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, từ giờ đến hết 2018 và cả 2019, khi van tín dụng hạn chế, việc tiếp cận nguồn vốn của cả chủ đầu tư và khách hàng đều khó sẽ làm giảm giao dịch. Điều này cộng với nhiều yếu tố khác (giá đất, đầu vào tăng...) sẽ làm khó khăn cho các nhà đầu tư và cho cả thị trường.
Nhiều phân khúc, trong đó có condotel sẽ bị ảnh hưởng. Dự án của các chủ đầu tư yếu kém sẽ phải dừng lại, M&A trong lĩnh vực này sẽ mạnh hơn... Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần phải có kế hoạch phát triển đúng đắn, cung sản phẩm phù hợp với thị trường và giảm chi phí để giảm giá bán.", ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khuyến cáo.
Dưới góc độ là một doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch KOSY Group chia sẻ, trước tiên, cần tập trung vào nhóm các giải pháp chủ động, tự tạo lợi thế so sánh như: xây dựng và phát triển các giá trị doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin nơi đối tác, khách hàng bằng uy tín và thái độ nghiêm túc, trung thực.
Đây chính là sức mạnh cạnh tranh khác biệt nhất, giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và duy trì vị thế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu đầu tư và khảo sát thị trường trước khi quyết định đầu tư triển khai dự án. Có thể chọn phân khúc thị trường phù hợp với chiến lược và thế mạnh của doanh nghiệp, chọn dự án có vị trí thuận lợi, phù hợp, dễ thanh khoản để triển khai.
Đồng thời, không quên chuyên nghiệp hóa công tác bán hàng, tạo dòng tiền; hoạch định các chiến lược kinh doanh bài bản với các chính sách hấp dẫn, kích thích khách hàng nhằm thanh khoản tốt, giảm thiểu tối đa hàng tồn kho và thu hồi vốn nhanh..