Cửa ngõ Sài Gòn được kiểm soát chặt

Thanh tra và CSGT lập chốt tại 7 cửa ngõ quan trọng của TP HCM, không cho ôtô hợp đồng trên 9 chỗ từ tỉnh khác vào, nhắc nhở người dân phải đeo khẩu trang.
Đường Phạm Văn Đồng không một bóng người, tối 1/4.
Đường Phạm Văn Đồng không một bóng người, tối 1/4.

Ngày 1/4, ngày đầu tiên thực hiện cách ly toàn xã hội, 7 cửa ngõ thành phố được giám sát tình hình ra vào thành phố là: quốc lộ 1, quốc lộ 50, cao tốc Trung Lương – TP HCM, quốc lộ 22, Bình Triệu - bến xe Miền Đông, Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp CSGT xử lý vi phạm giao thông như ngày thường, đồng thời xử lý các hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải, việc hạn chế người dân từ các tỉnh khác vào TP HCM chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở thông qua các chốt CSGT. Để đảm bảo yêu cầu chống dịch hiệu quả, nhiều ôtô thuộc diện cấm vào thành phố như xe hợp đồng 9 chỗ trở lên, xe hợp đồng công nghệ... bị yêu cầu quay về.

Từ tối qua, Sở Giao thông Vận tải có thông báo ngừng toàn bộ ôtô khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe du lịch, hợp đồng ứng dụng công nghệ ngừng hoạt động từ 1/4 đến 15/4 nên lực lượng thanh tra xử lý nhiều nội dung hơn. Trước đó các chốt chỉ rà soát đối với trường hợp xe hợp đồng trên 9 chỗ.

Nội đô Sài Gòn hôm nay vắng xe hơn rất nhiều so với những ngày đầu dịch bệnh khởi phát. Cửa hàng, quán cơm, cà phê đều đóng cửa; số ít khác treo biển bán mang về. Siêu thị, chợ truyền thống vẫn mở nhưng lượng người mua không nhiều.

Từ sáng sớm, cán bộ phường xã tại 24 quận huyện chia nhau nhắc nhở chủ hàng quán, người dân theo Chỉ thị 16. Chủ tịch UBND phường 12 (quận 3) Trần Thanh Túc cho biết, phường yêu cầu một số cửa hàng dừng kinh doanh; kêu gọi người dân không tụ tập nơi công cộng, vận động "cố gắng ở trong nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết". Riêng công việc ở phường được các cán bộ thực hiện chế độ xoay ca, tuần tra, làm việc luân phiên tại nhà, qua mạng.

Trong khi đó, lãnh đạo Công an TP HCM yêu cầu toàn lực lượng thực hiện nghiêm trong phòng chống dịch. Công an quận, huyện giám sát việc cách ly, thường xuyên nhắc nhở cơ sở kinh doanh, yêu cầu đeo khẩu trang cũng như giải tán việc tụ tập từ 2 người trở lên... Công an TP HCM sẽ mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự.

Theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn, đơn vị đã yêu cầu 2/3 nhân viên làm việc ở nhà qua mạng hoặc điện thoại. Chỉ lãnh đạo cơ quan, những đơn vị trọng yếu như văn phòng, bảo trợ xã hội, phòng việc làm, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội và những đơn vị mang tính đặc thù phải duy trì quân số trên 90%.

Trước đó, tối 31/3 Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm ban hành văn bản khẩn hướng dẫn thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 trong 15 ngày cách ly toàn xã hội.

UBND thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; Cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường để phục vụ người dân.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật mới đến làm việc tại công sở. Riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế thành phố đảm bảo 100% quân số...

Đến tối nay, cả nước ghi nhận 218 ca nhiễm nCoV; 64 người khỏi bệnh. Riêng TP HCM có 50 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó một số ca Bộ Y tế chưa công bố.

Ngoài ra, TP HCM có hơn 9.000 người đang được cách ly tại các khu cách ly tập trung, gần 1.800 người cách ly tại nhà. Hôm qua, 137 người được về sau khi hết 14 ngày cách ly tập trung, hôm nay có thêm 397 người.

Chuyên đề