Cửa hàng xăng dầu ở khu vực Hà Đông, Hà Nội treo biển thông báo hết xăng |
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Tổng cục này đã nhanh chóng vào cuộc xác minh thông tin "đóng cửa cây xăng vì không mua được xăng”.
Theo đó, kết quả xác minh bước đầu từ các cục quản lý thị trường địa phương báo cáo tính đến trưa ngày 26/5 cho thấy đã phát hiện một số trường hợp phản ánh về nguồn cung ứng xăng dầu nhỏ giọt, khó lấy hàng, lượng cung giảm.
Tại Gia Lai, Đắk Lắk có 5 cửa hàng đóng cửa. Hiện cơ quan quản lý thị trường đang phối hợp chính quyền địa phương làm rõ.
Về kế hoạch trong thời gian tới, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân kinh doanh xăng dầu.
“Xử lý nghiêm hành vi vi phạm, trong đó đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá làm hạn chế việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng”, lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường cho biết.
Ngoài ra lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường cũng cho biết, Tổng cục này đã chỉ đạo các cục quản lý thị trường địa phương, trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu nhận được thông tin phản ánh về nguồn cung xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu bị gián đoạn thì báo cáo kịp thời.
“Sau đó, Tổng cục quản lý thị trường sẽ thông tin đến Vụ thị trường có phương án xử lý kịp thời”, lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường cho biết.
Trước đó, chiều 25/5 và sáng 26/5, một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Đông, Hà Nội đặt tấm biển báo “hết xăng”. Không ít người dân phải quay xe đi ra với vẻ mặt bất ngờ kèm theo chút ngậm ngùi...
Chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết hiện cửa hàng chỉ còn một ít dầu để bán nốt, nếu không cũng đóng cửa cho nhân viên nghỉ.
Theo vị này, tình hình khó khăn trong việc nhập xăng dầu diễn ra nhiều ngày trở lại đây. “Không chỉ tôi, đại lý nào hiện nay cũng kêu ầm lên về việc này. Trước đây chỉ cần đặt hàng hôm trước là hôm sau có xe chở tới. Giờ muốn mua phải đăng ký trước, mỗi lần giao thì số lượng nhỏ giọt. Hôm nay cũng nhập được ít xăng nhưng lượng xăng nay chỉ bán trong vòng 2 tiếng là hết", chủ đại lý xăng dầu ngậm ngùi chia sẻ.
Cũng theo ông này, công ty đã nhận được thông báo kể từ hôm nay ngày 26/5, chiết khấu về mức 0 đồng. Tức là sau khi trừ đi chi phí, doanh nghiệp sẽ lỗ.
Không chỉ doanh nghiệp bán lẻ, nhiều thương nhân phân phối cũng cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc nhập hàng, do vậy thừa nhận số lượng giao đến các cửa hàng đại lý nhỏ giọt.
Trước thực tế nêu trên, đại diện một doanh nghiệp phân phối xăng dầu kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần sớm vào cuộc làm rõ bất cập của thị trường xăng dầu hiện nay. “Công bố tồn kho doanh nghiệp đầu mối, kế hoạch đảm bảo nguồn hàng của họ, để doanh nghiệp phân phối có định hướng trong lĩnh vực kinh doanh”, vị này kiến nghị.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đầu mối cũng là lên tiếng phủ nhận cáo buộc găm hàng, chờ tăng giá. Họ khẳng định giao đủ hàng đã ký kết, còn lượng nhập phát sinh, tăng đột biến thì họ không thể đáp ứng đủ. Một số doanh nghiệp đầu mối cũng cho biết, bản thân doanh nghiệp họ đã trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn khi xăng dầu xuống thấp.