Đề xuất đầu tư nửa tỷ USD làm xe buýt điện 17 chỗ ở TP HCM

Theo DATAM, xe buýt điện cỡ trung với 17 chỗ sẽ phù hợp với đường sá chật hẹp ở TP HCM.
Một chiếc buýt điện chạy thử tại Gwanghwamun, Seoul vào tháng 11/2018. Ảnh: Digital Chosun
Một chiếc buýt điện chạy thử tại Gwanghwamun, Seoul vào tháng 11/2018. Ảnh: Digital Chosun

Theo biên bản ghi nhớ hợp tác giữa DATAM (Hàn Quốc) và Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải TP HCM) được ký sáng nay (7/6), DATAM đại diện cho một liên doanh đề xuất triển khai dự án BRT xe buýt điện tại TP HCM với tổng vốn đầu tư 525 triệu USD.

Xe buýt điện được đề xuất là loại cỡ trung, chở 17 người gồm lái xe, một ghế dành cho người tàn tật và 15 chỗ ngồi khác. Xe có chiều rộng 1,49 m và cần một làn riêng để vận hành với chiều rộng 1,5 m, chiếm khoảng 60% chiều rộng đường của làn xe buýt thông thường hiện nay.

Ông Young Cheol Lee - Chủ tịch DATAM cho rằng, làm BRT (buýt nhanh) mà không mở rộng thêm đường thì rất khó triển khai nên trong điều kiện đường sá chật hẹp của TP HCM, giảm bớt kích cỡ xe buýt, với chiều rộng chỉ to hơn ôtô một chút để không lấn chiếm lòng đường, là giải pháp.

Trong tổng vốn 525 triệu USD, 300 triệu USD sẽ dùng để sản xuất 20.000 xe buýt điện và 225 triệu USD để trang bị đèn đường LED năng lượng mặt trời tích hợp camera AI và wifi miễn phí. Trong giai đoạn đầu, chi phí đầu tư thí điểm cho một tuyến đường 2 chiều với khoảng cách 30 km là 10 triệu USD.

Công ty cho biết xe buýt điện sẽ được chuyển giao trực tiếp sản xuất tại TP HCM với mức giá chỉ bằng 20% so với chiếc xe buýt hiện nay. Về lâu dài, công ty muốn xuất khẩu xe buýt điện sang các nước Đông Nam Á khác.

Nhận xét về đề xuất, ông Phạm Hồng Quất - Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đánh giá cao ý tưởng nhưng băn khoăn về việc loại xe buýt này vẫn cần làn đường riêng, vốn rất khó với điều kiện đường sá tại TP HCM, nhất là vào giờ cao điểm.

Ông Young Cheol Le cũng thừa nhận đang lo lắng nhất về vấn đề này nhưng để làm BRT thì cần thiết phải có làn đường, với cơ chế và chế tài chặt chẽ để phương tiện khác không chạy vào. Phía DATAM đề xuất làn đường riêng sẽ là làn trong cùng, sát với vỉa hè của người đi bộ.

"Chúng tôi đánh giá giải pháp này là phù hợp với định hướng phát triển, hạ tầng của thành phố cũng như chủ trương giảm phát thải. Chúng tôi sẽ tập trung trao đổi, nghiên cứu cụ thể hơn để dự án phù hợp với quy định đầu tư, hạ tầng các tuyến và thói quen đi lại cũng người dân", ông Trần Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết.

Cũng theo ông Trung, TP HCM chỉ có 44% đường có bề rộng trên 7 m. Đô thị 10 triệu dân này có đến 85% lượng người sinh sống trong các con hẻm nên việc ùn tắc thường xuyên xảy ra và tổ chức giao thông công cộng không dễ dàng.

Chuyên đề