Công tác phòng chống tham nhũng: Mấu chốt là sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước

(BĐT) - Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương làm Trưởng đoàn diễn ra chiều ngày 24/12/2019 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định, mấu chốt trong công tác phòng, chống tham nhũng là sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, xây dựng cơ chế chặt chẽ, không có kẽ hở để phòng chống thất thoát và lãng phí trong đầu tư.
Quang cảnh buổi làm việc chiều 24/12. Ảnh: Bích Thảo
Quang cảnh buổi làm việc chiều 24/12. Ảnh: Bích Thảo

Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, thời gian qua, Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ KH&ĐT luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Trong lĩnh vực về quản lý đầu tư công, để khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Đầu tư công 2014 và để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công, hoàn thiện thể chế nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả đầu tư công, Bộ KH&ĐT đã xây dựng và trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công 2019.

Đối với công tác quản lý đấu thầu, Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu, rà soát kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định mới cho phù hợp với yêu cầu quản lý; tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật quản lý đấu thầu, đẩy mạnh công tác đấu thầu qua mạng, kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, các nhân trong quá trình tham gia đấu thầu.

Về quản lý đầu tư và doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT tiếp tục xây dựng, sửa đổi Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp, trong đó có nhiều nội dung thể chế hóa những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực do  Bộ quản lý.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng có nội dung về thể chế như xây dựng kế hoạch, đầu tư, thống kê, đều là những mảng dễ xẩy ra tham nhũng. Hiện nay, đấu thầu cũng là vấn đề lớn nhưng vẫn khó khăn, thách thức trong thực thi. Tham nhũng chỉ là 1 phần, lãng phí mới là lớn và hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Việc quản lý chặt chẽ dự án từ đầu vào có ý nghĩa rất lớn đối với công tác phòng chống tham nhũng, làm sao để cho tiết kiệm và hiệu quả, không để xảy ra tình trạng “vống” đầu vào, lời thật, lỗ giả… Trách nhiệm của Bộ KH&ĐT là phải xây dựng thể chế chặt chẽ, không sở hở mà vẫn khơi thông được nguồn lực đầu tư và không để phát sinh các mầm mống tham nhũng. Hiện nay, tình trạng chuyển giá trong quá trình thực hiện dự án cũng được dư luận quan tâm rất nhiều, khi không làm chặt chẽ từ đầu vào thì đã hình thành tài sản giả tạo ngay từ khâu đầu tư ban đầu, ảnh hưởng đến khấu hao tài sản cố định, ảnh hưởng đến thuế, quyền lợi của nhà nước và dẫn đến lỗ nhưng về bản chất thì nhà đầu tư lại là lỗ giả, lãi thật. Hiện nay, dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi cũng đặt ra vấn đề về kiểm soát phòng chống tham nhũng, thất thoát lãng phí.

Phát biểu tại Cuộc họp, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, pháp luật đấu thầu đã tiệm cận với các quy định chung của quốc tế, việc thực thi có bước tiến nhưng vẫn có tình trạng thông thầu và để phát hiện xử lý thì khó khăn vì các gói thầu khi kiểm tra đã hoàn thành trong quá khứ. Khi đã phân cấp các bộ, ngành, địa phương tự tổ chức giám sát và thanh tra nhưng thực tế rất hình thức, nhiều Bộ không kiểm tra, dẫn đến tình trạng phát hành hồ sơ nhưng nhà thầu không mua được hồ sơ mời thầu. Do vậy, để giải quyết vấn đề này, Bộ đã ban hành các biểu mẫu trong thực hiện, chuẩn hóa các bước trong lựa chọn nhà thầu, tăng cường đấu thầu điện tử nhằm giảm thiểu viêc xảy ra kiện cáo và tính cạnh tranh cao. Bộ KH&ĐT cũng đã và đang nỗ lực xây dựng các quy định mới nhằm tăng cường công khai minh bạch trong đấu thầu; công khai năng lực của các nhà thầu, duy trì danh sách đen về các nhà thầu vi phạm…

Kết luận tại Cuộc họp, ông Nguyễn Đình Trạc đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng rất căng thẳng và phức tạp. Bộ KH&ĐT đã vượt qua lực cản của chính trong nội bộ và vượt qua lực cản từ các bộ, ngành khác. Công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công rất khó khăn nhưng Bộ KH&ĐT đã hết sức nỗ lực vượt qua, từ lĩnh vực đầu tư công, đấu thầu, đầu tư, thanh tra… Bộ KH&ĐT cũng đã quan tâm đến công tác thanh tra nội bộ, quan tâm và nghiêm túc trong công tác phòng chống tham nhũng nội bộ, xác định những lĩnh vực có nguy cơ phòng, chống tham nhũng cao để có giải pháp phòng ngừa thực hiện, xử lý.

Ông Nguyễn Đình Trạc đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp tục tăng cường xây dựng quy định, thể chế liên quan đến công tác phòng ngừa tham nhũng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, xây dựng thể chế chặt chẽ, không sơ hở để không dám, không thể, không muốn tham nhũng.

Chuyên đề