Còn nhiều cơ hội đổi mới thủ tục hành chính công

(BĐT) - Kết quả khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2018 (PAPI 2018) vừa được công bố cho thấy, hầu hết các chỉ số đều có sự cải thiện. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ và thủ tục hành chính công có nhiều nét khởi sắc.
TS. Pau Schuler, đại diện Nhóm nghiên cứu PAPI 2018 công bố kết quả nghiên cứu. Ảnh Bích Thủy
TS. Pau Schuler, đại diện Nhóm nghiên cứu PAPI 2018 công bố kết quả nghiên cứu. Ảnh Bích Thủy

Điểm trung bình toàn quốc đạt 7,39 điểm/10 điểm

Công bố kết quả nghiên cứu PAPI 2018, TS. Pau Schuler - đại diện Nhóm nghiên cứu cho biết, chỉ số nội dung Thủ tục hành chính công năm 2018 đạt mức khá, với điểm số cấp tỉnh dao động từ 6,9 - 7,95 trên thang điểm 1 - 10, trung bình là 7,39 điểm.

Khoảng cách giữa địa phương có điểm thấp nhất và cao nhất là không xa. Điểm trung bình chung toàn quốc tăng đều qua các năm. Các tỉnh, thành phố trong các nhóm điểm cao không tập trung theo vùng mà phân bố đồng đều trên toàn quốc. Cả 4 nhóm dịch vụ và thủ tục hành chính công mà PAPI đo lường từng bước được cải thiện rõ rệt, gồm: Dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở, dịch vụ cấp giấy phép xây dựng, dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ hành chính công cấp xã/phường. 

Lạng Sơn đạt điểm cao nhất ở nội dung Dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền (2,04 điểm); Quảng Ninh đạt điểm cao nhất ở hai nội dung là Thủ tục cấp phép xây dựng (2,01 điểm) và Thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1,98 điểm), Trà Vinh đạt điểm cao nhất ở nội dung Dịch vụ hành chính cấp xã/phường.

Về cung ứng dịch vụ công, người dân đánh giá hiệu quả cung ứng dịch vụ công cấp tỉnh đạt mức khá, với khoảng điểm của các tỉnh, thành phố dao động từ 6,58 - 7,68 điểm. Kể từ năm 2016 đến nay, phần lớn các chỉ tiêu thành phần có dấu hiệu cải thiện (dịch vụ giáo cụ tiểu học công lập, y tế công lập, cơ sở hạ tầng căn bản và an ninh, trật tự khu dân cư). Kết quả của các tỉnh, thành phố ở một số chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ công cũng đáng quan tâm. Chẳng hạn như Vĩnh Long đứng đầu về chất lượng bệnh viện công tuyến quận/huyện; Bắc Ninh đứng đầu về chất lượng trường tiểu học công lập...

Nhìn tổng quan kết quả khảo sát PAPI 2018, TS. Đặng Hoàng Giang cho rằng, mỗi địa phương đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, không có địa phương nào thuộc về nhóm điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số nội dung. Chẳng hạn như Lạng Sơn và Bắc Giang thuộc về nhóm điểm cao nhất ở 6/8 chỉ số. Tuy vậy, Bắc Giang vẫn thuộc về nhóm đạt điểm trung bình thấp ở chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa điểm cao nhất cấp tỉnh (47,05 điểm) và mức điểm tối đa (80 điểm) vẫn còn rất xa.

Đánh giá về sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở vào đời sống chính trị và phát triển hạ tầng, các tỉnh Đông Bắc và Bắc Trung Bộ có xu hướng đạt điểm cao hơn các tỉnh phía Nam ở khía cạnh tạo điều kiện để người dân tham gia. Tuy nhiên, dải tần điểm cấp tỉnh vẫn ở mức thấp, dao động từ 4,41 - 6,16 điểm (thang điểm từ 1 - 10). Khoảng cách giữa điểm thấp nhất và cao nhất là 1,75 điểm. Điều này cho thấy đây là mảng quản trị công còn yếu. Trong số 63 tỉnh, thành phố, Thái Bình đạt điểm cao nhất, Khánh Hòa đạt điểm thấp nhất.

Việc công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở các tỉnh, thành phố, các tỉnh Đông Bắc và Bắc Trung Bộ có xu hướng đạt điểm cao hơn so với các tỉnh, thành phố phía Nam. Điểm trung bình toàn quốc dao động từ 4,55 - 6 điểm, không có nhiều cải thiện so với kết quả năm 2011 và giữa các tỉnh không có nhiều khác biệt...

Về hai chỉ số đo lường mới được bổ sung vào PAPI 2018, người dân cảm nhận các tỉnh, thành phố phía Bắc có xu hướng đạt điểm cao hơn về chỉ số Quản trị điện tử, song lại đạt điểm thấp hơn các tỉnh phía Nam ở chỉ số nội dung Quản trị môi trường. Những khác biệt về vùng miền này có thể gợi mở một số vấn đề cho các cơ quan trung ương phụ trách phát triển vùng về ưu tiên hỗ trợ các địa phương giải quyết những vấn đề còn tồn tại, đồng thời thúc đẩy việc chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm liên vùng.

"Những khoảng cách nêu trên cho thấy, còn nhiều cơ hội đổi mới chính sách và cách thức thực thi chính sách để chính quyền các cấp ngày càng cởi mở hơn, minh bạch hơn, thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, hoạt động có mục đích và thực hành liêm chính tốt hơn", Nhóm Nghiên cứu nhận định.

Duy trì 3 đường dây nóng liên quan đến đất đai

Liên quan đến thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỷ lệ người dân cho rằng tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm vẫn ở mức cao. Việc công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn là khía cạnh chính quyền địa phương cần cải thiện trong thời gian tới.

Ông Phạm Tân Tuyến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm 2019, Bộ sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính công ở 3 lĩnh vực, cả về bộ máy, thủ tục và minh bạch thông tin đất đai.

Đặc biệt, thay vì cơ chế hai cửa (cấp tỉnh và cấp huyện), Bộ sẽ đẩy mạnh triển khai cơ chế “một cửa” trên toàn quốc. Trên thực tế, một số địa phương đã triển khai cơ chế “một cửa” này rất thành công. Mục tiêu phấn đấu là cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Một trong những biện pháp là ứng dụng công nghệ thông tin để liên thông với các cơ quan khác như thuế...

Đồng thời thiết lập cơ chế để người dân tham gia giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai như duy trì 3 đường dây nóng của cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý đất đai, cơ quan quản lý môi trường... Bộ cũng phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập tổ công tác đặc biệt để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp...

Chuyên đề