Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống Mike Pence. Ảnh:AP |
Cơn bão bê bối liên quan đến sự dính líu của Nga đang lan dần đến những trợ thủ thân tín nhất của Tổng thổng Mỹ Donald Trump, khi con rể Jared Kushner, cố vấn tin cẩn nhất của ông, sắp phải điều trần trước các thượng nghị sĩ Mỹ về những cuộc gặp gỡ với các quan chức cấp cao của điện Kremlin, theo CNN.
Những cáo buộc về sự dính líu của Kushner với Nga xuất hiện trong bối cảnh Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes bị các nghị sĩ đảng Dân chủ tố cáo rằng ông đang thông đồng với các trợ lý của Tổng thống để phá hoại cuộc điều tra về nghi vấn chiến dịch tranh cử của Trump có liên hệ với Moscow.
Dường như cơn bão cuốn đến dồn dập này là quá đủ đối với Tổng thống Trump. Tối 27/3, ông tung ra một loạt cáo buộc trên Twitter nhắm vào vợ chồng cựu tổng thống Bill Clinton, dường như để hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi những câu chuyện đang làm tổn hại đến hình ảnh của Nhà Trắng, theo bình luận viên Stephen Collinson.
Trong những dòng tweet này, ông Trump chất vấn về mối liên hệ giữa Bill và Hillary Clinton với Nga, về những lời ca ngợi Moscow của bà Hillary, đồng thời khẳng định câu chuyện "Nga của Trump" chỉ hoàn toàn là đồn thổi.
Thế nhưng sóng gió chưa dừng lại ở đó. Ông Trump được dự đoán sẽ phải đối mặt với một cơn lốc mới liên quan đến Nga vào ngày 30/3, khi một phiên điều trần trước ủy ban tình báo sẽ lần đầu tiên cho phép các thượng nghị sĩ có cơ hội tiếp cận với hồ sơ liên quan đến những nghi vấn về mối liên hệ giữa Trump và Nga.
Những diễn biến này càng chứng tỏ sự bất lực của Nhà Trắng trong việc rũ bỏ những tranh cãi liên quan đến Nga vốn đã nhiều lần ám ảnh chính quyền mới của Mỹ, đồng thời làm tồi tệ thêm những bước sảy chân gần đây của ông Trump, mới đây nhất là thất bại trong nỗ lực bãi bỏ Obamacare tại Hạ viện vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Theo giới quan sát, những sóng gió liên quan đến Nga đang phủ bóng lên nỗ lực của chính quyền Trump trong việc hàn gắn quan hệ với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan vốn trở nên căng thẳng sau nỗ lực thông qua Trumpcare thất bại. Chúng cũng có nguy cơ khiến cố gắng của Nhà Trắng nhằm hòa giải với các nghị sĩ đảng Dân chủ trở thành công cốc.
Tâm bão
Trump đứng trước con rể Jared Kushner và con gái Ivankar Trump. Ảnh:Reuters
Tâm điểm của "cơn bão Nga" hiện nay là cuộc điều trần của Kushner trước các thượng nghị sĩ về vai trò của ông trong việc sắp xếp những cuộc gặp giữa các trợ lý cấp cao trong chiến dịch tranh cử của Trump với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak.
Bản thân con rể Trump cũng đã gặp Kislyak hồi tháng 12, khi Trump đang tiếp quản quyền lực, rồi sau đó cử cấp phó Avrahm Berkowwitz tới gặp Đại sứ Nga lần hai. Kushner cũng đã gặp Sergey N. Gorkov, giám đốc Ngân hàng Phát triển Kinh tế Nga (VEB), theo sự sắp xếp của Đại sứ Kislyak, một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho hay.
Gorkov được cho là người có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Nga và đã được Tổng thống Vladimir Putin bổ nhiệm. Cuộc gặp giữa Kushner và Gorkov gây sự chú ý vì VEB đã bị Mỹ đưa vào danh sách các tổ chức bị cấm vận trong ba năm, cũng như vì Kushner đã tìm cách thu hút tài chính cho một dự án xây dựng ở Manhattan. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump từng tuyên bố có thể dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Nga.
VEB xác nhận họ đã gặp gỡ Kushner trong năm 2016, nhưng với tư cách là người đứng đầu Công ty Kushner, chứ không phải là một đại diện của Trump.
Các chuyên gia cho rằng cuộc gặp giữa Kushner và Gorkov không vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và việc các doanh nghiệp nước ngoài đang bị cấm vận gặp gỡ quan chức Mỹ cũng không phải là điều hiếm gặp. Nhà Trắng khẳng định những cuộc gặp này không có gì khuất tất.
Tuy nhiên, đây lại là những manh mối mới thể hiện những mối liên hệ giữa các trợ lý của Trump với các quan chức Nga, vốn đã dần dần lộ diện vào thời điểm FBI đang điều tra cáo buộc rằng tình báo Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái theo hướng có lợi cho Trump. Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã phải từ chức sau khi bị cáo buộc có liên hệ với Đại sứ Kislyak.
Không chỉ phải đối phó với cuộc điều trần của Kushner, chính quyền Trump còn phải trả lời các câu hỏi liên quan đến chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Nunes tới Nhà Trắng trong lúc ủy ban này đang điều tra các cáo buộc Trump có dính líu tới Nga.
Dù Nunes tuyên bố rằng ông chỉ tới Nhà Trắng để tiếp cận những thông tin do một nguồn tin bí mật cung cấp, các nghị sĩ đảng Dân chủ cảnh báo rằng hành vi của ông cùng các trợ lý Trump tại Nhà Trắng có thể cản trở cuộc điều tra.
"Một người phụ trách cuộc điều tra công tâm không thể nào thiên vị cho một bên", lãnh đạo phe thiểu số đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer tuyên bố. "Nếu Chủ tịch Ryan muốn Hạ viện có một cuộc điều tra đáng tin cậy, ông ấy cần thay thế Nunes".
Tuy nhiên, Nunes tuyên bố mình không làm bất cứ điều gì sai trái. "Tôi cam đoan rằng những người ở Cánh Tây của Nhà Trắng không hề biết rằng tôi đã ở đó", ông nói. Dù vậy, Nunes từ chối tiết lộ ai đã giúp ông thực hiện các thủ tục an ninh để có thể bước vào Nhà Trắng.
Tuyên bố của Nunes không thuyết phục được các nghị sĩ đảng Dân chủ. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi đã kêu gọi Nunes "tự cứu mình" khỏi cuộc điều tra về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump với các quan chức Nga.
"Sau những sự kiện trong tuần, đã đến lúc rất khó để duy trì mức độ tin cậy của cuộc điều tra nếu chủ tịch ủy ban không thoát khỏi những vấn đề liên quan đến chiến dịch của Trump hay đội ngũ chuyển giao quyền lực của Trump, trong đó ông ấy là một thành viên", Adam Schiff, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện, tuyên bố.
Các chuyên gia phân tích cho rằng nếu không vượt qua được "cơn bão Nga" này, uy tín của chính quyền Trump trong mắt dư luận sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ Trump xuống mức thấp kỷ lục 36% ngay trong tháng thứ hai cầm quyền. "Khi đó, dù Tổng thống có cố gắng làm gì tiếp theo, dư luận cũng sẽ đều phản đối", bình luận viên Collinson nhận định.