Coi trọng chất lượng tăng trưởng

(BĐT) - Mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2016 trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn là rất khó đạt được. Tuy nhiên, Chính phủ đang dồn mọi quyết tâm, nỗ lực cao nhất để nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Ảnh: Lê Tiên
Nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Ảnh: Lê Tiên

Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,3 - 6,5%

Thông tin về kết quả Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 chiều ngày 4/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là phiên họp có khối lượng công việc lớn với 22 nội dung quan trọng về xây dựng thể chế, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2016.

Nhìn lại bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, kinh tế năm 2016 đã đi được ¾ chặng đường với những chuyển biến tích cực, nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển. Tăng trưởng GDP quý III đạt 6,4%, cao hơn quý I (tăng 5,48%) và quý II (tăng 5,78%), tính chung 9 tháng đầu năm GDP ước tăng 5,93%.

Nhưng điều căn bản và quan trọng nhất trong 9 tháng mà nền kinh tế đạt được, theo ông Mai Tiến Dũng, là Chính phủ đã tạo được niềm tin cho người dân và doanh nghiệp về một Chính phủ kiến tạo, quyết tâm xóa bỏ rào cản để người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh. Số doanh nghiệp tăng mạnh cả về số lượng và số vốn đăng ký mới trong 9 tháng đầu năm 2016. Vốn FDI tiếp tục tăng trưởng tích cực, giải ngân vốn ODA đạt tỷ lệ tương đối cao…

Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn diễn biến khó khăn, thách thức, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ nhận định, nhiệm vụ 3 tháng còn lại năm 2016 là hết sức nặng nề. Khả năng đạt 6,7% như mục tiêu đề ra là rất khó, nên quý IV phải nỗ lực phấn đấu để đạt tăng trưởng 7,1 - 7,3% để cả năm đạt khoảng 6,3 - 6,5%. “Điều quan trọng là chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng tăng trưởng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Mai Tiến Dũng, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế như: triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý thuế, chống thất thu, nợ đọng thuế; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đưa tín dụng vào sản xuất kinh doanh, giảm lãi suất vay… 

Tiếp tục nhân rộng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp

Về phương án dùng ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu tại Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, nhiều ý kiến cho rằng phương án này không khả thi, gây áp lực rất lớn cho nợ công, nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang bội chi. Người phát ngôn Chính phủ cho biết, theo kinh nghiệp của nhiều nước, để xử lý nợ xấu dứt điểm và hiệu quả thì cần có nguồn lực tài chính, có nước phải chi rất nhiều tiền, có thể là 10 - 15% GDP.

Bộ trưởng Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm, trên cơ sở đánh giá, tổng kết đánh giá tình hình xử lý nợ xấu giai đoạn 2011 - 2015, việc sử dụng các nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu của nền kinh tế thời gian tới sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, an toàn nợ công, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Đề cập đến mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã được ban hành, và nhiều biện pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục được đề xuất như: Dự án Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Dự án Luật sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh…

Truyền một thông tin vui nữa tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đại diện Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, bắt đầu từ tháng 10 này, hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại địa chỉ doanhnghiep.chinhphu.vn sẽ được khai trương. Đây là kênh thông tin quan trọng của Chính phủ để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc hệ thống này có tiếp nhận phản ánh về chuyện doanh nghiệp phải đưa phong bì, đút lót cho cán bộ công chức gây khó dễ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hay không, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, những phản ánh như vậy sẽ được gửi tới cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý cán bộ để xem xét, làm rõ. “Việc làm này để ngăn chặn lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, hạn chế tiêu cực, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Còn kết luận có hay không hành vi nhũng nhiễu đó phải rất minh bạch với tinh thần không bỏ lọt cán bộ có hành vi nhũng nhiễu” - ông Dũng nói.

Đối với vấn đề thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước này là để tích tụ vốn đầu tư vào ngành, lĩnh vực then chốt… với quan điểm là Chính phủ sẽ không đi bán bia, bán sữa.

Chuyên đề