Cổ phiếu tài chính tiếp tục thăng hoa

0:00 / 0:00
0:00
Cổ phiếu chứng khoán sau vài phiên khựng lại, hôm nay bật tăng, thậm chí các mã nhỏ trần hàng loạt...
Cổ phiếu tài chính tiếp tục thăng hoa

Những nỗ lực phục hồi hôm nay đã không thành công khi VN-Index mất nhiều sức mạnh trong nhóm blue-chips. Dù vậy những cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn đang thu hút dòng tiền mạnh và phục hồi tốt hơn thị trường chung.

Sau phiên xả khá mạnh và giảm hôm qua, cơ hội phục hồi vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nhóm cổ phiếu. Đáng tiếc là nhóm này vẫn đang bị bán khá nhiều, giá bật tăng trong khoảnh khắc ngắn ngủi trước khi lực bán lại xuất hiện và quay đầu giảm. Thiếu nhóm dẫn dắt, VN-Index chỉ tăng hầu như không đáng kể trong nửa đầu phiên sáng.

VN-Index lên cao nhất chỉ trên tham chiếu 0,38%, toàn bộ thời gian còn lại là giảm. Không có bất kỳ cổ phiếu lớn nào làm trụ phiên này. VCB bật lên cũng chỉ 0,38% trong vài chục phút đầu tiên. VIC cũng vậy, tăng hơn 1% trong vài phút cùng lúc SAB đột ngột tăng 1,4%. Đây là 3 cổ phiếu đẩy được VN-Index vượt tham chiếu, nhưng không thể duy trì được mức tăng này.

Nhóm vốn hóa lớn nhất đều đóng cửa trong sắc đỏ khiến VN-Index chỉ tăng trở lại 1,35 điểm tương đương 0,11%. Hôm qua chỉ số giảm 6,23 điểm, nên mức phục hồi nói trên là không đáng kể. VIC chốt phiên giảm 0,63%, VCB giảm 0,86%, VHM giảm 1,29%, VNM giảm 1,22%, GAS giảm 0,97%, SAB giảm 1,01%, HPG giảm 0,56%, MSN giảm 1,07%.

Nhóm cổ phiếu tài chính hôm nay nổi bật. VPB và STB là hai mã gây bất ngờ khi cùng tăng 3,08%. CTG tăng 1,29%, TCB tăng 1,71%. Các mã ngân hàng nhỏ cũng rất mạnh với LPB tăng 3,6%, VIB tăng 1,44%.

Nhóm chứng khoán sau vài phiên chững lại cũng bắt đầu đi lên. SSI tăng 5,52%, HCM tăng 5,65%, VCI tăng 2,54%, VND tăng 6,04%, VDS tăng 5,49%, SHS, AGR, BSI, CTS, TVS kịch trần...

Cổ phiếu chứng khoán có đà tăng mạnh hơn ngân hàng đáng kể. SSI, HCM, SHS đã vượt lên đỉnh cao mới. Nhóm chứng khoán cũng hút dòng tiền mạnh mẽ. SSI lập kỷ lục thanh khoản chưa từng thấy với trên 22,84 triệu cổ trị giá gần 784,6 tỷ đồng. SSI dẫn đầu thị trường về quy mô giao dịch, vượt qua cả HPG và các mã ngân hàng siêu thanh khoản khác. HCM, VND, VCI, SHS tuy chưa lập được kỷ lục thanh khoản nhưng đều khớp trên trăm tỷ đồng. HCM cũng lọt vào TOP 10 giá trị khớp lệnh thị trường phiên này, VND lọt top 20.

Cổ phiếu SSI theo đơn vị tuần, đang quay lại đỉnh cao lịch sử 2018.

Cổ phiếu SSI theo đơn vị tuần, đang quay lại đỉnh cao lịch sử 2018.

VN30-Index chốt phiên hôm nay chỉ tăng nhẹ 0,38% với 14 mã tăng/15 mã giảm. Hiện tượng phân hóa về giá trong nhóm blue-chips lại gây bất lợi khi các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm là chính. Tuy nhiên sự níu kéo chỉ số không khiến thị trường bớt nóng, các mã vừa và nhỏ vẫn tăng dữ dội.

Độ rộng sàn HSX cuối ngày ghi nhận 190 mã tăng/145 mã giảm, không quá chênh lệch nhưng chỉ số VNMidcap tăng tới 1,17%, VNSmallcap tăng 1%. Sàn này có 37 mã kịch trần, hầu hết là các cổ phiếu đang được đầu cơ mạnh. Ngoài nhóm chứng khoán còn có VOS, VPI, LCM, VTO, EVG, PET, KBC, HID, HQC, TGG... Nhiều mã trong số này đã tăng bằng lần nhưng vẫn chưa hạ nhiệt.

Do các blue-chips đang chững lại, nhất là nhóm dẫn dắt nên VN-Index vẫn đang gặp khó khăn tại đỉnh cao 1.200 điểm. Những phút cuối phiên dường như đà phục hồi đã tốt hơn thì hệ thống giao dịch bị nghẽn. Đợt ATC hầu như không có lệnh mua bán xuất hiện. Tính chung cả phiên HSX khớp lệnh 15,327,2 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với hôm qua. Tổng giá trị khớp hai sàn giảm 7,7%, đạt 17.198,8 tỷ đồng.

Một bất ngờ lớn phiên này là nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua cực mạnh. Cổ phiếu trong nhóm VN30 được mua ròng tới 576 tỷ đồng và tính chung cả sàn là gần 382 tỷ đồng. VIC, VRE, NVL, SBT, STB, TCH, VHM, là những blue-chips thuộc VN30 được mua ròng lớn nhất. Ngoài ra có KBC, DXG, LPB, CII, GVR, HCM... Phía bán ra có HPG, VCI, VNM và VND bị xả ròng hàng triệu cổ phiếu. FCN, CTG, POW cũng bị bán ròng khá nhiều.

Phiên mua ròng hôm nay phần nào làm giảm nỗi ám ảnh bán ròng trong hai tuần đầu năm 2021. Tổng giá trị bán ròng khoảng 1.000 tỷ đồng trong khi riêng cổ phiếu bán ròng hơn 1.800 tỷ đồng. Riêng các chứng chỉ quỹ ETF vẫn đang hút ròng vốn ngoại miệt mài. Vì vậy có thể đây là hiện tượng tái cơ cấu dòng vốn từ đầu tư chủ động sang bị động. Dù vậy mức rút vốn ròng khỏi cổ phiếu vẫn lớn hơn nhiều so với mua ròng ở các quỹ ETF.

Chuyên đề