Cổ phần hóa và nỗi lo đất vàng đổi chủ

(BĐT) - Giai đoạn 2011 - 2015, một lượng lớn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được cổ phần hóa. Tuy nhiên, về chất lượng cổ phần hóa, vẫn còn không ít vấn đề đặt ra, trong đó có câu chuyện đất vàng được định giá ra sao trong quá trình chuyển đổi.
Quyền sử dụng đất là tài sản hấp dẫn với nhà đầu tư mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Nhã Chi
Quyền sử dụng đất là tài sản hấp dẫn với nhà đầu tư mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Nhã Chi

Ồ ạt tái cơ cấu

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn từ 2011 - 2015 đã sắp xếp được 588 DN, trong đó cổ phần hóa được 508 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 80 DN. Tổng giá trị DN thực tế của 508 DN nói trên là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.474 tỷ đồng.

Với 5 lĩnh vực nhạy cảm cần thoái vốn, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012, các đơn vị đã thoái được 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2011 - 2015. Việc hụt thu so với giá trị sổ sách chủ yếu do Tập đoàn Dầu khí thoái 800 tỷ đồng tại OceanBank trong vụ việc ngân hàng này bị mua lại với giá 0 đồng.

Riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong giai đoạn 2011 - 2015 đã tiếp nhận 67 DN, với giá trị sổ sách kế toán 1.666 tỷ đồng, nâng tổng số DN mà tổng công ty này tiếp nhận từ khi thành lập đến nay lên gần 1.000 DN với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 8.722 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn tại 411 DN, với doanh thu bán vốn đạt 8.726 tỷ đồng, giá vốn 3.595 tỷ đồng, thặng dư bán vốn lên tới 5.130 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị sổ sách.

Năm 2016, đã có 56 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 tổng công ty nhà nước. Đáng chú ý, 3 tổng công ty đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá trị DN, đang triển khai xây dựng phương án cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt (Tổng công ty Lương thực Miền Nam - Vinafood 2, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - IDICO, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD). Tổng giá trị thực tế của 56 DN nói trên là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại các DN là 24.390 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, vốn điều lệ của 56 đơn vị là 24.379 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.937 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.670 tỷ đồng, người lao động 388 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 8 tỷ đồng, đấu giá công khai 4.374 tỷ đồng. 

Và những tranh cãi

Trong cổ phần hóa các DNNN, một vấn đề được dư luận quan tâm là hiện tượng “tư nhân hóa” các khu đất vàng, gây thất thoát vốn nhà nước
Ngày 12/12/2016, SCIC chính thức chào bán 130,63 triệu CP Vinamilk mà Tổng công ty nắm giữ. Đây chỉ là một cuộc “tập dượt” thoái vốn của SCIC tại DN có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, nhưng quy mô của nó đã đủ để tạo thành thương vụ lớn nhất Đông Nam Á năm 2016. Kết quả 2 tổ chức thuộc Tập đoàn đồ uống Singapore F&N đã gom về 78,38 triệu CP, tương đương 60% tổng khối lượng chào bán.

Về thương vụ này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho biết, thời gian chuẩn bị quá gấp gáp. Mặc dù việc thoái vốn đã có kế hoạch từ tháng 12/2015 nhưng phải đến tháng 9/2016, Bộ Tài chính mới phê duyệt phương án. Chỉ trong 3 tháng cho 1 thương vụ lớn nhất Đông Nam Á, kết quả đạt được là đáng ghi nhận.

Trong cổ phần hóa các DNNN, một vấn đề được dư luận quan tâm là hiện tượng “tư nhân hóa” các khu đất vàng với mức giá không tương xứng, gây thất thoát nghiêm trọng vốn nhà nước. Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu DN cổ phần hóa phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và hoàn thành trước thời điểm xác định giá trị DN. Điều này tránh được việc ngay sau khi cổ phần hóa, các DNNN lập tức chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hưởng giá trị chênh lệch từ các mảnh đất có giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi về các trường hợp DN chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngay sau khi cổ phần hóa, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tiến độ cổ phần hóa đôi khi được tiến hành nhanh hơn tiến độ quy hoạch các dự án (!) Ông Tiến cho rằng, nếu Nghị định được ban hành, đồng thời các DNNN thực hiện đúng, thì việc thất thoát vốn nhà nước trong các thương vụ đất vàng là hoàn toàn tránh được.

Về công tác tư vấn cổ phần hóa, ông Tiến cho biết, DNNN chọn tư vấn phải thông qua đấu thầu, trong đó mở rộng đối tượng tham gia cho các tổ chức nước ngoài. Việc này nhằm minh bạch thông tin, đồng thời thúc đẩy nâng cao chất lượng tư vấn cổ phần hóa DNNN trong nước. Lý do không đủ chi phí thuê tư vấn không được đưa ra để bao biện cho việc chậm trễ cổ phần hóa DNNN, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Chuyên đề