Cơ chế, chính sách cho TP.HCM: Triển khai hiệu quả mới có nguồn thu

(BĐT) - Sau 3 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ, sáng 20/11, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận cho ý kiến về Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM sẽ giảm dần chỉ còn hơn 6% vào năm 2030. Ảnh: Tường Lâm
Nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM sẽ giảm dần chỉ còn hơn 6% vào năm 2030. Ảnh: Tường Lâm

Đa số các đại biểu Quốc hội đều có sự đồng thuận, thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết để tạo cơ chế tăng phân cấp, phân quyền, tạo động lực cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển với vai trò là trung tâm, là đầu tàu động lực kinh tế phát triển của cả nước. Đây là một nghị quyết lần đầu tiên Quốc hội ban hành để tạo cơ chế cho một trung tâm động lực kinh tế rất quan trọng. Việc này cũng là cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng các cơ chế đặc thù đối với một số trung tâm động lực kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng sẽ giảm sút

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì hơn 30 năm đổi mới, cơ chế chính sách phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh tương tự như các địa phương khác trong cả nước. Chính cơ chế, chính sách hiện hành này đã không còn phù hợp mà đã bộc lộ sự kìm hãm, không tạo điều kiện cho thành phố phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) trích dẫn lại tính toán của các chuyên gia cho thấy, nếu tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006-2010 là 11,4%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 9,72%/năm, theo dự báo giai đoạn 2016-2020 là 7,55%, giai đoạn 2021-2025 là 6,72%, dự kiến giai đoạn 2025-2030 là 6,36%. Thực tế 5 năm qua, từ 2011-2015 cho thấy kinh tế Thành phố đã ra khỏi giai đoạn tăng trưởng 2 con số, hơn 10%/năm, từ 1996-2010. Nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giảm dần chỉ còn hơn 6% vào năm 2030.

Cùng với đó, TP.HCM đang đối mặt với 5 thách thức lớn mà nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì không thể giải quyết được như: vấn đề kết cấu hạ tầng không theo kịp, cản trở phát triển; thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu trong thời gian gần đây giảm; tỷ lệ ngân sách giữ lại cho phát triển còn thấp, tỷ lệ người nghiện ma túy, vi phạm pháp luật cao nhất cả nước, tỷ xuất sinh thấp nhất cả nước…, đại biểu Thạch Phước Bình nói.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) chia sẻ, dù làm ra nhiều của cải, vật chất đóng góp hơn 21% GDP của cả nước, 28% tổng thu ngân sách nhưng tỷ lệ điều tiết để lại cho Thành phố ngày càng ít đi và nay là thấp nhất trong cả nước. Nếu như Thành phố làm ra 100 đồng thì phải điều tiết về Trung ương 82 đồng, 18 đồng giữ lại phải trang trải cho chi thường xuyên, đầu tư phát triển, trả nợ và nhiều khoản chi khác. “Con số khá ít ỏi này so với nhu cầu đầu tư giải quyết các tồn tại để tiếp tục giữ được vai trò là động lực của một đầu tàu kinh tế thì quả là một bài toán quá khó cho Thành phố” – đại biểu này nhấn mạnh.

Xin cơ chế chứ không xin tiền

Tại phiên thảo luận, hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự đồng thuận cao, thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM. Song, có một số ý kiến còn băn khoăn, lưu tâm về việc áp thuế tài sản với nhà đất, tăng một số loại thuế có thể tạo ra sự không công bằng và ảnh  hưởng đến môi trường đầu tư của Thành phố hay chính sách về tiền lương cũng phải gắn với năng suất, hiệu quả và tinh giản biên chế, không chỉ là tiền lương của cán  bộ công nhân viên chức. Một số ý kiến đề nghị nên triển khai thêm ở một số trung tâm động lực khác như Hà Nội và một số địa phương.

Đơn cử về chính sách thuế, đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất, là thống nhất thí điểm tăng thuế suất và thí điểm thu thuế tài sản, sau đó tổng kết nhân rộng, thống nhất không tăng tất cả các loại thuế. Vì tăng nhiều loại thuế sẽ là lợi ích trước mắt, nhưng sẽ không mang lại tính hiệu quả lâu dài. "Đối với thuế thu tài sản, tôi đề nghị không chỉ thí điểm tại TP.HCM mà đề nghị Chính phủ cần đề xuất thí điểm tại TP. Hà Nội", đại biểu Tuấn nhấn mạnh .

Để tạo điều kiện cho ngân sách Thành phố, Dự thảo Nghị quyết quy định, ngân sách thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tổ chức mà thuộc Ủy ban nhân dân thành phố quản lý. Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) bày tỏ đồng thuận cao với quy định này và cho rằng “đây là giải pháp tháo gỡ được nhiều việc, khắc phục những khó khăn để Thành phố có thể đầu tư các dự án cấp bách”. Song, bà Lan lưu ý, nếu trong quá trình thực hiện việc thu từ cổ phần hóa và thu thoái vốn có khó khăn (vì đây là nguồn thu rất khó mà dự toán ngân sách đã đặt ra nhiều năm nay), đề nghị ngân sách nhà nước có thể xem xét để hỗ trợ một phần, làm sao đảm bảo được việc thực hiện đầu tư các dự án cấp bách của Thành phố trong thời gian tới.

Đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn TP.Hải Phòng) phân tích rõ, về cơ bản, đề án chủ yếu là xin cơ chế chứ không xin tiền, các chính sách mới đều có cơ chế kiểm soát, chính sách tăng thu ngân sách chỉ trong giới hạn địa bàn Thành phố, đó là sự tự lực. "Việc Quốc hội thông qua được Nghị quyết  thì TP.HCM còn phải triển khai rất nhiều việc và chỉ triển khai có hiệu quả thì mới có thêm nguồn thu. Do đó, quyết tâm rất cao và trách nhiệm của TP.HCM với cả nước là sẵn sàng đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cần phải được ủng hộ hơn nữa", đại biểu Hải bày tỏ quan điểm.

Chuyên đề