Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm covid-19. Ảnh: Reuters |
Họ đi tìm hiểu, lý giải nguyên nhân thành công của Việt Nam trong kiểm soát, khống chế bệnh dịch. Rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, học giả quốc tế đã bày tỏ những ý kiến của mình về cách chống dịch của Việt Nam.
Theo hãng thông tấn Reuters, Việt Nam - một quốc gia có 96 triệu dân, có chung đường biên giới với Trung Quốc, đang phát đi những tín hiệu cho thấy họ đã thành công trong phòng chống dịch COVID-19 trong khi nhiều quốc gia giàu có và phát triển hơn vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh.
Một số chuyên gia y tế công cộng được Reuters phỏng vấn cho rằng, Chính phủ Việt Nam đến nay đã báo cáo có 271 trường hợp mắc COVID-19, một tỷ lệ tương đối nhỏ và không có trường hợp tử vong. Điều này đã giúp Việt Nam bước vào việc khôi phục nền kinh tế sớm hơn nhiều so với hầu hết những quốc gia khác.
Quốc gia láng giềng với Việt Nam là Philippines có dân số đông hơn Việt Nam một chút nhưng số trường hợp mắc tăng gấp 30 lần và có hơn 500 trường hợp tử vong. Reuters nhận định, các chuyên gia y tế công cộng cho rằng, Việt Nam thành công sớm trong phòng chống dịch bởi nước này đã có những động thái quyết liệt nhằm hạn chế nhập cảnh từ vùng dịch, xét nghiệm trên diện rộng, cách ly hàng chục nghìn người và theo dõi sát những người phơi nhiễm hiệu quả.
Quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ông Matthew Moore - người đã liên hệ với Chính phủ Việt Nam ngay từ khi bùng phát dịch kể từ hồi tháng 1 - nói: “Nói thì dễ nhưng làm lại khó, nhưng Việt Nam đã rất thành công trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch rất nhiều lần”. Ông cho biết mình có niềm tin mạnh mẽ vào những biện pháp ứng phó, phòng chống dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam.
Kể từ khi bùng phát dịch hồi tháng 1, Việt Nam mới chỉ có 3 phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm COVID-19, nhưng đến tháng 4, nước này đã có tới 112 cơ sở có thể xét nghiệm COVID-19. Đến nay đã có hơn 200.000 xét nghiệm được thực hiện tại Việt Nam.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, ông Kidong Park cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy có ca nhiễm bị Chính phủ Việt Nam bỏ sót hay không công bố.
Giám đốc đơn vị nghiên cứu thí nghiệm lâm sàng thuộc Đại học Oxford (Anh) tại TP. Hồ Chí Minh, ông Guy Thwaites cho biết, Việt Nam đã đưa ra các quyết sách thống nhất trên toàn quốc được ban hành nhanh chóng và thực hiện hiệu quả. Số liệu của Chính phủ Việt Nam hoàn toàn khớp với số liệu phòng thí nghiệm của ông Thwaites phát hiện. “Nếu có sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra nhưng không được phản ánh trong số liệu của Chính phủ, tôi chắc chắn đã thấy các bệnh nhân như vậy trong bệnh viện của chúng tôi. Nhưng chúng tôi không thấy có tình trạng đó” - ông Thwaites xác nhận. Phòng thí nghiệm của Thwaites đã tăng công suất xét nghiệm từ 100 xét nghiệm mỗi ngày lên 1.000 test.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Y Harvard có trụ sở tại Hà Nội, ông Todd Pollack cho biết, chưa đến 10% số người được xét nghiệm dương tính với COVID-19 thuộc nhóm trên 60 tuổi - nhóm có khả năng tử vong nhiều nhất nếu mắc COVID-19. Tất cả bệnh nhân nhiễm bệnh đều được theo dõi tại các cơ sở y tế và họ đều nhận được sự chăm sóc rất tốt. Việt Nam có thể so sánh với Hàn Quốc trong việc triển khai chương trình xét nghiệm trên diện rộng, Hàn Quốc cũng duy trì tỷ lệ tử vong tương đối thấp (hiện tỷ lệ tử vong của Hàn Quốc là khoảng 2%). Nếu xem xét các yếu tố kể trên về phản ứng của Việt Nam sẽ hiểu được tại sao Việt Nam có thể tránh được các trường hợp tử vong.
Một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm và an toàn sinh học tại Trung tâm An ninh Y tế của Đại học Johns Hopkins - Krutika Kuppalli cho biết: “Việt Nam đã có những phản ứng tuyệt vời bằng việc xét nghiệm trên diện rộng, giám sát các trường hợp có nguy cơ và cách ly hiệu quả”. Hiện nay, Việt Nam vẫn tiếp tục giám sát và xét nghiệm lại các trường hợp nghi ngờ, kể cả những người xuất viện và có xét nghiệm âm tính nhiều lần hay với các nhóm người không được cách ly, nhưng có thể bị phơi nhiễm với virus.