Chuyển đổi số trong kinh doanh thông minh bắt đầu từ đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Tọa đàm Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) trong kinh doanh thông minh trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 (VIIE 2021) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 10/01, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, hầu hết ý kiến của các đại diện đến từ các doanh nghiệp (DN) cho rằng, CĐS là vấn đề tất yếu đối với các DN để thích ứng, tạo nên những giá trị mới.
Nhiều sản phẩm công nghệ mới được giới thiệu tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 diễn ra ngày 9 - 10/01 tại Hà Nội (ảnh: LT)
Nhiều sản phẩm công nghệ mới được giới thiệu tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 diễn ra ngày 9 - 10/01 tại Hà Nội (ảnh: LT)

“Ông lớn” công nghệ cũng tăng tốc chuyển đổi số

Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có thay đổi nhận diện thương hiệu Viettel, với bộ nhận diện gồm logo và slogan mới. Logo mới của Viettel có màu sắc chủ đạo là màu đỏ. Chia sẻ về sự thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của Tập đoàn tại Tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Tính, đại diện Viettel cho biết, sự thay đổi này có liên quan đến chuyển dịch số nhằm thể hiện sự thích ứng của Tập đoàn trong bối cảnh mới khi CĐS đang phát triển rất mạnh.

“Trước đây nói về Viettel là nói về một DN truyền thống, có tính kỷ luật quân đội, có thể nói cứng nhắc một chút, thậm chí có khách hàng có ý kiến cho rằng Viettel nói ít đổi mới sáng tạo. Thiết kế logo ban đầu là màu xanh và vàng là những rất trầm. Giai đoạn nay với công nghiệp chuyển đổi số rất nhanh, Viettel cần “áo mới” để tính năng động, sáng tạo phát huy. Do đó, Tập đoàn không chỉ thay đổi cả bên trong mà còn thay đổi cả bên ngoài để thích ứng”, ông Tính chia sẻ.

Theo Lãnh đạo Viettel, yêu cầu CĐS trong kinh doanh là điều tất yếu trong giai đoạn hiện nay đối với mọi DN. Việc công nghệ hay hành vi khách hàng thay đổi tạo ra cơ hội cho tất cả DN có thể CĐS để tạo nên những giá trị mới. Tuy nhiên, về tính cấp thiết có CĐS không thì thì lại tùy thuộc vào từng DN dựa trên những trạng thái cụ thể. Chẳng như có DN để đến lúc không thể tăng trưởng được mới chuyển đổi hoặc có những DN chỉ chuyển đổi khi doanh số sụt giảm…

“Viettel là DN công nghệ thông tin nên tiếp cận CSĐ khá sớm, khá hiệu quả và dễ dàng hơn so DN khác. Trên cơ sở đó, Tập đoàn thực hiện CĐS bằng 2 chiến lược. Một là chiến lược khách hàng và chiến lược tối ưu hiệu quả của DN”, ông Tính cho hay.

Về phía FPT, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết: “Cách đây 4 năm, FPT cũng tiến hành CĐS ngay hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Trước đây, toàn bộ dữ liệu của FPT được phân tán ở các đơn vị thành viên, nhưng trong 4 năm qua, chúng tôi đã hoàn tất việc xây dựng dữ liệu của Tập đoàn về khách hàng, đối tác, sản xuất… và quá trình này vẫn đang tiếp tục diễn ra”. Về lý do của việc FPT chưa hoàn tất quá trình CĐS được, ông Khoa nhấn mạnh: CĐS là quá trình không bao giờ hết mà diễn ra liên tục, bởi thị trường thay đổi, khách hàng thay đổi buộc DN công nghệ phải chuyển đổi để thích ứng, tối ưu năng suất lao động.

Cũng nhấn mạnh về tính tất yếu của CĐS trong kinh doanh của DN để đi đến một mô hình kinh doanh thông minh hơn, ông Đặng Đức, Giám đốc Phát triển thị trường Intel Việt Nam cho biết, công cuộc chuyển đổi số trên toàn cầu cũng như Việt Nam hiện nay mới đang bắt đầu. Trong khoảng 3 năm gần đây, nhu cầu thị trường tăng cao, hoạt động sản xuất của Intel gần như tăng lên gấp đôi. Cá nhà máy của Intel hoạt động công suất trên 100%. Con số này cho thấy yêu cầu về CĐS rất lớn. Theo đó, các DN công nghệ cung cấp các nền tảng công nghệ cũng phải tự CĐS cho chính mình để tạo nên những sản phẩm tốt cung cấp cho thị trường.

Khởi động CĐS bắt đầu từ đâu?

Khẳng định quá trình CĐS là yêu cầu rất cần thiết cho các DN, không phân biệt ngành nghề, quy mô, ông Gulu Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosh Việt Nam nhấn mạnh, đây là quá trình tích hợp các công nghệ số một cách toàn diện vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh để thúc đẩy các hoạt động thay đổi mang tính chất cơ sở nhằm nâng cao giá trị kinh doanh, mang lại lợi ích cho khách hàng. Vì thế, bất kể DN mới hay kể cả những DN đã được thành lập lâu đời thì cũng phải chuyển đổi để thích ứng.

Để CĐS, lãnh đạo Bosh Việt Nam cho rằng, DN cần xác định một tầm nhìn chung có thể đủ sâu, đủ mạnh để thúc đẩy hành động CĐS. “Để kiến tạo được một tầm nhìn như vậy, các DN nên lấy khách hàng làm trung tâm để CĐS. Ngoài ra, DN cần hỗ trợ các nhân viên của mình để họ thấy được đây là sự thay đổi cần thiết để tạo ra những giá trị lớn hơn nhằm giúp họ sẵn sàng chủ động thay đổi”, ông Gulu Mallikarjuna gợi ý.

Đại diện Bosh Việt Nam chia sẻ thêm, sau khi có được tầm nhìn thì DN cần khuyến khích các thành viên của mình tích cực tham gia vào quá trình đó, bởi thông thường những sáng kiến về CĐS thường xuất phát từ các lãnh đạo cấp cao của DN. “Vì vậy, quá trình CĐS nên bắt đầu từ dưới lên bằng việc giải quyết những vấn đề phát sinh để giúp cho nhân viên của mình tham gia vào một cách chủ động nhất”.

Trong khi đó, đại diện một DN sản xuất Việt Nam, ông Giáp Văn Thanh, Tổng giám đốc Panel Phương Nam cho rằng: “Muốn CĐS chúng ta phải bắt đầu từ công nghệ mới để thích ứng với số hóa. Tư tưởng CĐS phải bắt đầu từ cấp lãnh đạo DN”. Theo ông Thanh, đến nay, quá trình số đang diễn ra mạnh trên thế giới. Nhiều nước có nền kinh tế phát triển họ đã đi trước một bước trong quá trình này, do đó, chúng ta muốn đi nhanh để tiến kịp quá trình này thì phải sáng tạo, thậm chí có thể “copy” để chuyển đổi từng bước trên cơ sở tìm kiếm đối tác, hợp tác nhà cung cấp phù hợp.

Gợi ý cho DN bước vào cuộc CĐS, đại diện FPT nhấn mạnh: “Các DN khởi nghiệp không thuộc lĩnh vực công nghệ không phải lo lắng quá với CĐS, bởi tất cả những công ty mới được hình thành hiện nay đa phần là các công ty công nghệ”. Còn đối với những start up không xuất phát từ công nghệ, để tránh bối rối trong quá trình lựa chọn nền tảng công nghệ, ông Khoa cho rằng, CĐS phải có dữ liệu. Căn cứ vào đó, các DN cần rà soát lại xem DN còn thiếu yếu tố gì để đáp ứng được quá trình chuyển đổi này thì phải tiến hành ngay. Chẳng hạn, nếu DN thiếu hạ tầng công nghệ thông tin thì phải lo hạ tầng thông tin thật tốt để chuyển đổi. Trường hợp DN có hạ tầng công nghệ thông tin, có dữ liệu thì cần tìm kiếm các sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. Chỉ cần 2 công nghệ đó thôi đã có hàng loạt sản phẩm dịch vụ đi kèm.

“Những công nghệ này đang đi vào Việt Nam và đang rất phổ biến. DN khởi nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm nền tảng công nghệ này trên trang cổng thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông và qua các nhà tư vấn”, ông Khoa chia sẻ.

Chuyên đề