Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại “Tiệc trưa về Việt Nam” do WEF phối hợp với Tập đoàn VinaCapital tổ chức. Ảnh: VGP |
Hôm nay, 12/5, tại Phnom Penh, Campuchia, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (Hội nghị WEF ASEAN) năm 2017, WEF phối hợp với Tập đoàn VinaCapital tổ chức “Tiệc trưa về Việt Nam”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Giám đốc Điều hành WEF Philipp Roesler và các đại biểu dự WEF ASEAN đã tham gia sự kiện này.
Tại đây, chia sẻ về sự phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong 30 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã đạt tăng trưởng bình quân liên tục khoảng 6%/năm và từ 2010 trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Việt Nam là một quốc gia có nền tảng chính trị-xã hội ổn định, nền kinh tế mở và năng động, có lực lượng lao động trẻ dưới 35 tuổi chiếm 60% dân số và thị trường gần 93 triệu người tiêu dùng với thu nhập và sức mua ngày càng cao.
Theo xếp hạng của WEF về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) 2016-2017, Việt Nam xếp thứ 60/138 nước. Hiện có hơn 22.000 doanh nghiệp từ 110 quốc gia, đối tác đang đầu tư trên 300 tỷ USD tại Việt Nam, riêng năm 2016, giải ngân đạt gần 16 tỷ USD. Có 110.000 doanh nghiệp mới ra đời năm 2016 và Việt Nam đang hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020. Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh, đạt tầm doanh thu hàng tỷ USD hay vươn tầm thế giới như Vinamilk, TH Truemilk, Thaco, PV Gas, Viettel, Vinatex… Nhiều tập đoàn lớn của thế giới cũng đã có mặt ở Việt Nam, kinh doanh thành công và không ngừng mở rộng quy mô, trở thành những minh chứng cho môi trường kinh doanh của Việt Nam như Intel, Samsung, Toyota, Coca Cola, P&G, Unilever, McDonald’s…
Để tăng trưởng nhanh và bền vững, với tốc độ tăng GDP bình quân 6,5-7% từ nay đến năm 2020, Thủ tướng cho biết, sẽ tập trung vào một số định hướng lớn. Đó là tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để tạo động lực mới cho phát triển. Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. “Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động và phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu lực và hiệu quả thực thi công vụ”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại sự kiện “Tiệc trưa về Việt Nam”. Ảnh: VGP
Cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất, đổi mới căn bản mô hình và phương thức tăng trưởng, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn DNNN theo cơ chế thị trường. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia trở thành cổ đông chiến lược trong các doanh nghiệp cổ phần. “Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp quốc tế tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các ngành có giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường”, Thủ tướng nêu rõ.
Đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu chủ yếu của môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của 4 nước hàng đầu ASEAN, có những chỉ số, hướng tới chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ như xây dựng chất lượng thể chế, chính sách; nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics, phát triển thị trường tài chính; tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, nghiên cứu cơ bản, tăng chỉ tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D)…; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cải cách giáo dục và hệ thống đào tạo; ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm rủi ro hay tình trạng bế tắc về chính sách và luật lệ.
Nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Về dài hạn, Việt Nam tích cực mở rộng thị trường thông qua việc tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA tiêu chuẩn cao và đang đàm phán 4 FTA. Điều này tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường không chỉ của Việt Nam mà cả các thị trường rộng lớn hơn trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là hai nước láng giềng anh em.
Ảnh: VGP
Về quan hệ đối tác giữa Việt Nam và WEF, Thủ tướng nhìn nhận, đang phát triển mạnh mẽ. Tại Hội nghị thường niên WEF tại Davos, Thụy Sĩ tháng 1/2017 vừa qua, Việt Nam là nước đầu tiên cùng với WEF ký Thỏa thuận hợp tác công-tư về xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai.
Nhân dịp này, với vai trò nước chủ nhà của Hội nghị APEC 2017, Thủ tướng hoan nghênh các đại biểu đến với Việt Nam tham dự các hoạt động của APEC để cùng chia sẻ các ý tưởng, cơ hội hợp tác vì sự thịnh vượng chung của khu vực.
Thủ tướng đánh giá cao WEF đã chọn Việt Nam là nước chủ nhà và nhấn mạnh, sẽ hợp tác với WEF tổ chức thành công Hội nghị WEF-ASEAN năm 2018. Năm 2018 cũng là năm Việt Nam đăng cai chủ trì tổ chức Hội nghị Cấp cao Tiểu vùng Mekong (GMS). “Chúng tôi mở rộng cửa chào đón quý vị và các bạn đến với Việt Nam để cùng hợp tác và cùng chia sẻ thành công”, Thủ tướng chia sẻ.