Tuần qua (từ 19-23/10), dòng tiền tiếp tục “đổ” vào chứng khoán giúp các nhóm cổ phiếu đồng loạt tăng giá và chỉ số VN-Index đã quay trở lại vùng điểm hồi đầu năm.
Thị trường đi lên, những nhà đầu tư mới có lãi, trong khi những nhà đầu tư bị “kẹp” hàng, thua lỗ từ đợt thị trường giảm mạnh xóa được lỗ, hoặc giảm lỗ.
Điều này sẽ khích lệ tâm lý nhà đầu tư và là động lực quan trọng giúp thị trường chứng khoán có thể vẫn diễn biến tích cực trong tuần tới.
Sức mạnh từ dòng tiền
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS, thị trường tiếp tục mở rộng đà tăng và nhà đầu tư hoàn toàn bị thuyết phục bởi dòng tiền luôn được duy trì ở mức cao.
Thị trường đang rất “khỏe” khi có sự đồng thuận giữa các nhóm dẫn dắt như nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm cổ phiếu họ Vingorup.
Việc xóa được lỗ kể từ đầu năm sẽ khích lệ tâm lý nhà đầu tư, qua đó có thể nâng kỳ vọng thị trường về lại ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.
Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC cho biết phiên cuối tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam được hưởng lợi từ thông tin tích cực từ Tổ chức Morgan Stanley Capital Investment (MSCI) nên đã tăng vượt ngưỡng 960 điểm.
Dòng tiền tiếp tục lan tỏa vào thị trường giúp 14/19 nhóm ngành đều tăng điểm. Khối ngoại vẫn bán ròng trên sàn HOSE và HNX.
Biên độ dao động hơi thu hẹp, độ rộng thị trường tích cực và thanh khoản tăng cho thấy tâm lý giao dịch hưng phấn vẫn sẽ tiếp tục.
Dòng tiền trong phiên vẫn chảy vào các cổ phiếu được hưởng lợi từ MSCI như HPG, VIC và VNM.
VN-Index có thể sẽ vận động trong vùng 960-980 điểm trong tuần tới.
Thực tế, MSCI vừa công bố ước tính đối với MSCI Frontier Markets 100 Index (rổ chỉ số dành cho thị trường cận biên) sau khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi từ tháng 11/2020.
Tỷ trọng của các cổ phiếu Việt Nam trong rổ sẽ tăng từ mức 12,5% hiện tại lên 27,86%, trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất.
Giao dịch thay đổi tỷ trọng sẽ được thực hiện theo 5 giai đoạn, đợt sớm nhất diễn ra vào ngày 30/11.
Hiện có 28 cổ phiếu Việt Nam nằm trong rổ MSCI Frontier Markets 100, dẫn đầu về tỷ trọng là VNM, VIC, VHM, HPG, VCB...
Thực tế, trong phiên cuối tuần qua, VIC và VHM tăng tương ứng 2,9% và 1,4%, trở thành các cổ phiếu hỗ trợ tốt nhất cho chiều tăng của của VN-Index.
Trong khi đó, BVH tăng mạnh 4,4%, POW tăng 2%. Các mã HPG, MSN, VJC đều tăng trên 1%.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), tuần qua là tuần tăng thứ sáu liên tiếp của VN-Index và tuần thứ mười hai liên tiếp của chỉ số HNX-Index.
Kết thúc tuần giao dịch từ 19-23/10, VN-Index tăng 17,96 điểm lên 962,26 điểm; HNX-Index tăng 1,876 điểm lên 141,7 điểm.
Thanh khoản tuy suy giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần, đạt khoảng gần 9.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn cho thấy lực cầu hiện tại vẫn là tương đối tích cực.
Công ty chứng khoán này cho biết với việc thị trường tiếp tục tăng trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng.
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 3,9% giá trị vốn hóa, với các đại diện tiêu biểu như HPG tăng 6,2%, HSG tăng 2,3%, NKG tăng 1,5%...
Nhóm cổ phiếu họ VinGroup tăng rất mạnh, tạo động lực lớn cho thị trường chung. Theo đó, VIC tăng tới 6,6%, VHM tăng 3,2%, VRE tăng 3,6%.
Nhóm hàng tiêu dùng tăng 1,9% giá trị vốn hóa nhờ lực kéo từ trụ cột trong ngành là VNM tăng 2,4%, MSN tăng 7,5%, BHN tăng 0,7%...
Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng tăng 1,7% giá trị vốn hóa với các mã tiêu biểu như CTG tăng 2,1%, BID tăng 1, 4%, VPB tăng 4,5%, TCB tăng 6%, HDB tăng 2,6%, ACB tăng 3,6%...
Các ngành khác đều có mức tăng nhẹ như công nghệ thông tin tăng 1,5% giá trị vốn hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 0,8%, công nghiệp tăng 0,4%.
Ở chiều ngược lại, ngành tiện ích cộng đồng giảm 1,8%, dầu khí giảm 0,9%, dược phẩm và y tế giảm 0,2%...
Trên góc nhìn kỹ thuật, SHS cho rằng, VN-Index đã vượt qua được ngưỡng 950 điểm tương ứng với kháng cự trước khi dịch COVID-19 xảy ra.
Điểm tiêu cực duy nhất hiện tại là việc khối ngoại bán ròng tuần thứ tư liên tiếp với hơn 2.400 tỷ đồng trên hai sàn.
SHS dự báo trong tuần giao dịch từ 26-30/10, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với vùng kháng cự trong khoảng 980-990 điểm (đỉnh tháng 1/2020).
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực, trong khi các thị trường chứng khoán trên toàn cầu biến động thất thường trong những tuần qua, khi các nhà giao dịch vẫn còn những lo ngoại.
Lo ngại về kế hoạch kích thích kinh tế
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 23/10 trái chiều, nhưng cùng giảm trong cả tuần qua. Đặc biệt, khi các nhà đầu tư lo ngại bất kỳ kế hoạch kích thích kinh tế nào cũng sẽ chưa thể được thực hiện trước cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng tới.
Chốt phiêu cuối tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,1%, xuống 28.335,57 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 3.465,39 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,4% lên 11.548,28 điểm.
Báo cáo của Markit công bố ngày ngày 23/10 cho thấy hoạt động của lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ, vốn chịu tác động mạnh do dịch, trên thực tế khả quan hơn dự kiến.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng sơ bộ của lĩnh vực này ở mức 56, trong khi dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của FactSet là 54,6. Chỉ số này trên 50 cho thấy sự tăng trưởng.
Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1%, chỉ số S&P 500 giảm 0,5%, và chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,1%.
Chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều kết thúc chuỗi lên điểm ba tuần và chỉ số Nasdaq Composite chấm dứt chuỗi lên điểm trong bốn tuần.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á hầu hết đi lên trong chiều 23/10, nhưng mức tăng bị hạn chế do nhà đầu tư không bị “tác động" bởi cuộc tranh luận cuối cùng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Chứng khoán Tokyo đóng cửa ở mức cao hơn vào phiên chiều khi các nhà đầu tư cảm thấy “nhẹ nhõm” bởi cuộc tranh luận cuối cùng giữa đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ Joe Biden từ đảng Dân chủ đã diễn ra khá hòa nhã, thay vì một cuộc tranh cãi lộn xộn như lần đầu tiên. Chỉ số Nikkei-225 tại Tokyo tăng 0,18% và khép phiên ở mức 23.516,59 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng khép lại trong sắc xanh sau một phiên giao dịch đầy biến động, nhờ sự lạc quan rằng báo cáo kinh doanh của các công ty nước này đa số đều cải thiện trong quý 3/2020. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 0,24%, đóng cửa ở mức 2.360,81 điểm.
Chứng khoán Mumbai, Singapore, Wellington và Jakarta đều tăng. Đáng chú ý là chứng khoán Manila tăng hơn 2% khi Thủ đô của Philippines nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc có sự phân hóa trong phiên này. Chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong tiến 0,54% lên 24.918,78 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải lại giảm 1,04% xuống 3.278 điểm. Chứng khoán Sydney và Taipei cũng đi xuống trong phiên cuối tuần.
Các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã biến động thất thường trong những tuần qua, khi thông tin liên quan tới các cuộc thảo luận về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ khiến các nhà giao dịch “đứng ngồi không yên.”
Giới quan sát ngày càng tin tưởng rằng một dự luật sẽ khó được thông qua trước cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, cả hai bên vẫn tham gia các cuộc đàm phán và bà vẫn hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận. Nhưng bà Pelosi cũng cảnh báo rằng việc các nghị sỹ Cộng hòa tại Thượng viện phản đối một kế hoạch chi tiêu “khủng” là một trở ngại lớn.
Chiến lược gia Stephen Innes của công ty tư vấn đầu tư AxiCorp cho biết đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn ngồi lại bàn đàm phán về gói kích thích kinh tế, vì cả hai đều không có lợi khi rút lui.
Nhưng phía đảng Cộng hòa không sẵn sàng thỏa hiệp về các vấn đề gai góc nhất, gồm viện trợ tài chính cho các bang và bảo vệ trách nhiệm pháp lý, trong khi bà Pelosi khó có thể trao cho Tổng thống Trump một chiến thắng vào thời điểm cận kề bầu cử như vậy.
Đề cập tới cuộc tranh luận giữa Tổng thống Trump và ông Biden, chuyên gia Innes nói rằng dù lần tranh luận này ít hỗn loạn hơn lần đầu tiên, song nó không cung cấp thông tin mới đáng chú ý nào để định hướng kết quả bầu cử cho các thị trường./.