Chứng khoán ngày 4/10: Khối ngoại tiếp tục bán ròng

Nếu như phiên sáng thị trường còn giằng co quanh mốc tham chiếu, thì phiên chiều xu hướng giảm rõ nét khi lực bán tăng mạnh.
Chứng khoán ngày 4/10: Khối ngoại tiếp tục bán ròng hàng trăm tỷ đồng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Chứng khoán ngày 4/10: Khối ngoại tiếp tục bán ròng hàng trăm tỷ đồng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, VN – Index giảm 4,86 điểm xuống 987,59 điểm. Toàn sàn có 136 mã tăng giá, 65 mã đứng giá và 171 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt trên 205 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 4.435,3 tỷ đồng.

HNX – Index giảm nhẹ 0,05 điểm xuống 105,16 điểm. Toàn sàn có 75 mã tăng giá, 52 mã đứng giá và 65 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt trên 24 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 346 tỷ đồng.

Cổ phiếu vốn hóa lớn chìm trong sắc đỏ.  Cụ thể, trong rổ cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên thị trường chứng khoán) có tới 23 mã giảm giá, trong khi chỉ có 5 mã tăng giá.

Các mã giảm giá mạnh có thể kể tới là BVH giảm 2,3%, SSI (3,6%), REE giảm 3,1%, MWG (1,7%), SAB (1,5%), HPG (0,9%), MSN (0,8%)... Các mã lớn khác như: VNM, VHM, VRE... cũng đều kết phiên trong sắc đỏ.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng ngập trong sắc đỏ với CTG giảm 1,9%, BID (1,8%), MBB và VPB (1,3%), HDB (1,1%), STB (1%), TCB (0,8%)...

Ở chiều tăng giá, chỉ còn một số mã có mức tăng tích cực như NVB tăng 3,6%, VCB (1,2%), trong khi EIB tăng nhẹ 0,6%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí phiên hôm nay cũng giảm khá mạnh. Cụ thể, GAS giảm 1,5%, BSR (1,1%), PVS (1,6%). PVC (1,5%), PVD (1,9%), PLX (3,3%). Phiên hôm nay, POW là mã cổ phiếu tích cực trong nhóm dầu khí khi tăng 2%.

Không chỉ nhà đầu tư nội bán mạnh cổ phiếu, khối ngoại cũng tiếp tục bán ròng hàng trăm tỷ đồng khiến áp lực giảm điểm càng đè nặng lên thị trường.

Theo đó, trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 265,54 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là LIX (gần 69 tỷ đồng), HPG (hơn 46,6 tỷ đồng), VRE (hơn 31,5 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 4,54 tỷ đồng. PVS là mã bị bán ròng mạnh nhất sàn, đạt gần 6 tỷ đồng.

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng 4,25 tỷ đồng. MCH là mã được mua ròng mạnh nhất, đạt trên 4,94 tỷ đồng, tiếp đến là QNS (hơn 3,1 tỷ đồng),  VEA (hơn 1,6 tỷ đồng).

Trước đó, chiều 3/10, chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm, sau một báo cáo về thị trường việc làm không được như kỳ vọng của Mỹ cùng với những quan ngại về tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Cụ thể, chốt phiên này tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 2% xuống 21.341,74 điểm. Phiên này, thị trường chứng khoán Thượng Hải đóng cửa nghỉ lễ.

Chỉ số chứng khoán tại Sydney (Australia) giảm hơn 2%, tại Singapore giảm 0,8%, tại Đài Bắc (vùng lãnh thổ Đài Loan) giảm 0,7% và tại Wellington (New Zealand) giảm 1,2%. Ngược lại, tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng tăng 0,3% lên 26.110,31 điểm.

Theo Báo cáo Tuyển dụng Quốc gia của nhà cung cấp phần mềm và dịch vụ quản lý nguồn nhân lực ADP công bố ngày 2/10, các chủ lao động tư nhân tại Mỹ đã thuê ít nhân công hơn dự kiến trong tháng 9/2019. Điều này cho thấy tình trạng tăng trưởng yếu đi của thị trường lao động.

Theo Báo cáo của Viện Quản lý Nguồn cung, chỉ số hoạt động chế tạo trong tháng Chín của Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, trong đó nêu rõ xung đột thương mại là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng này.

Cụ thể, chỉ số hoạt động chế tạo của Mỹ đã giảm xuống 47,8 (điểm), so với mức 49,1 (điểm) của tháng trước đó. Chỉ số sản xuất ở dưới ngưỡng 50 là dấu hiệu của sự sụt giảm.

Các nhà đầu tư đang tập trung sự quan tâm vào các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa Washington và Bắc Kinh sẽ diễn ra trong tháng này. Việc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 2/10 "bật đèn xanh" cho Washington đánh thuế hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 7,5 tỷ USD nhằm trả đũa việc khối này đã trợ cấp cho hãng sản xuất máy bay Airbus một cách trái luật cũng khiến thị trường bị tác động./.

Chuyên đề