Chứng khoán Mỹ và dầu thô đồng loạt tụt giá vì nỗi lo về chính sách của Fed

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (14/12), khi nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm thắt chặt chính sách trong năm 2022...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Giá dầu thô cũng đi xuống vì nỗi lo nhu cầu tiêu thụ suy yếu khi biến chủng Omicron lây nhanh và triển vọng chính sách tiền tệ thắt lại.

NHÀ ĐẦU TƯ HỒI HỘP ĐỢI TIN TỪ FED

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,3%, còn 35.544,18 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,75%, còn 4.634,9 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,14%, còn 15.273,64 điểm.

Cổ phiếu công nghệ là nhóm giảm mạnh nhất phiên này, cho dù mức giảm của nhóm được thu hẹp trong phiên chiều. Microsoft là nhóm gây áp lực giảm nhiều nhất lên các chỉ số, khi giảm 3,2%. Cổ phiếu phần mềm Adobe giảm 6,6%.

Cổ phiếu hãng xe Ford trượt gần 1,9% sau khi có tin đối thủ Nhật Bản Toyota có kế hoạch chi 35 tỷ USD trong thời gian từ nay đến năm 2030 để đầu tư vào ô tô chạy điện, lĩnh vực mà Ford đang nỗ lực để giành một vị thế đi đầu. Cổ phiếu Tesla giảm 0,8% sau khi báo cáo của hãng xe điện này lên Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) cho biết CEO Elon Musk vừa bán thêm số cổ phiếu trị giá 906,5 triệu USD.

Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn Netflix, Apple và Amazon cũng chốt phiên trong sắc đỏ.

“Các cổ phiếu vốn hoá lớn đang bắt đầu lung lay, đúng như những gì đã xảy ra vào năm 2018 - lần gần đây nhất khi chúng tôi nghĩ về một sự điều chỉnh của những cổ phiếu này”, Giám đốc đầu tư Mike Wilson của Morgan Stanley nhận định.

Số liệu công bố ngày 14/12 cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 11 của Mỹ tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng kỷ lục và cao hơn mức tăng 9,2% mà giới phân tích dự báo trước đó. Nếu so với tháng 10, PPI tăng 0,8%, cao hơn mức dự báo tăng 0,5%.

Những con số cho thấy sức nóng của lạm phát được đưa ra vào đúng thời điểm Fed bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày. Tuyên bố sau cuộc họp của Fed sẽ được đưa ra vào ngày thứ Tư theo giờ địa phương, trong đó sẽ có các dự báo hàng quý của Fed về tăng trưởng, lạm phát và lãi suất. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng sẽ có một cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách được chờ đợi này.

Nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm chương trình mua tài sản, tiến tới tăng lãi suất sớm trong năm 2022. Cuộc khảo sát mới nhất của CNBC cho thấy các nhà đầu tư tổ chức và chuyên gia kinh tế ở Phố Wall dự báo đến tháng 3/2022, Fed sẽ kết thúc chương trình mua tài sản và đến tháng 6 sẽ bắt đầu nâng lãi suất trở lại.

Chiến lược gia Chris Senyek của Wolfe Research nhận định rằng Fed sẽ phải thận trọng để tránh khiến thị trường hoảng sợ. “Chủ tịch Fed Powell có một công việc rất khó khăn vào buổi chiều ngày mai là giao tiếp với thị trường về chủ trương chính sách của Fed. Chúng tôi dự báo Fed sẽ kết thúc chương trình mua tài sản vào tháng 3 hoặc tháng 4 và sẽ bắt đầu nâng lãi suất từ tháng 5. Nếu ông Powell nhấn mạnh rằng Fed vẫn sẽ linh hoạt, thị trường sẽ không xáo trộn. Nhưng nếu những phát biểu của ông ấy cứng rắn hơn, thì một thảm hoạ bán tháo như hồi tháng 12/2018 có thể tái diễn”.

Cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ cột trong phiên này, với hai nhà băng lớn Goldman Sachs và Bank of America tăng hơn 1% mỗi cổ phiếu. Cổ phiếu các ngân hàng khu vực cũng tăng mạnh. Phiên tăng này của cổ phiếu ngân hàng có được là nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng dựa trên kỳ vọng Fed đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ.

NỖI LO OMICRON PHỦ BÓNG LÊN TRIỂN VỌNG NHU CẦU TIÊU THỤ DẦU

Về tình hình Covid, hãng dược Pfizer cho biết thuốc đặc trị Covid của hãng đã chứng minh được hiệu quả trong một phân tích cuối cùng, bao gồm cả điều trị những ca bệnh do biến chủng Omicron. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng thế giới không nên chủ quan vì Omicron có vẻ lây nhanh hơn so với các biến chủng đã được phát hiện trước.

Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, cả Dow Jones và S&P 500 hiện chỉ thấp hơn khoảng 3% so với mức kỷ lục nội phiên. Nasdaq hiện thấp hơn khoảng 6% so với đỉnh lịch sử.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,69 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 73,7 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,56 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 70,73 USD/thùng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng biến chủng Omicron có thể gây trở ngại cho sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Ngoài ra, đồng USD tăng giá do khả năng Fed đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ cũng gây áp lực giảm lên giá dầu.

IEA hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm tới, mỗi năm giảm 100.000 thùng/ngày, cho rằng tiêu thụ xăng hàng không sẽ sụt giảm do các biện pháp hạn chế đi lại mới.

“Mây đen lại đang phủ bóng lên triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu. Thế giới lại có thể rơi vào cảnh thừa dầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital nhận định.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 14/12 giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á trong năm nay và năm tới để phản ánh những rủi ro và bấp bênh do biến chủng Omicron gây ra, đồng nghĩa nhu cầu tiêu thụ dầu có thể bị ảnh hưởng bất lợi.

Trái lại, vào hôm 13/12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong quý 1/2022 và giữ nguyên dự báo về thời gian nhu cầu phục hồi về mức trước đại dịch. OPEC cho rằng biến chủng Omicron sẽ chỉ có ảnh hưởng nhẹ và chóng vánh đến nhu cầu dầu của thế giới.

Chuyên đề