Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ số liệu việc làm tốt hơn dự báo

0:00 / 0:00
0:00
Thống kê khả quan hơn dự báo về thị trường lao động giúp củng cố kỳ vọng của nhà đầu tư về phục hồi kinh tế...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (27/5), khi thống kê khả quan hơn dự báo về thị trường lao động giúp củng cố kỳ vọng của nhà đầu tư về phục hồi kinh tế. Những nhóm cổ phiếu có khả năng hưởng lợi nhiều từ sự mở cửa trở lại được gom mua, trong khi cổ phiếu công nghệ lại bị bán.

Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước giảm mạnh hơn nhận định trước đó của giới phân tích, còn 406.000, mức thấp nhất trong 14 tháng, trong bối cảnh các hạn chế chống Covid-19 tiếp tục được dỡ bỏ. Một báo cáo khác cho thấy đầu tư của các doanh nghiệp ở Mỹ vào trang thiết bị sản xuất đã có sự tăng tốc.

Những thống kê trên đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, với lợi suất trái phiếu 10 năm có lúc đạt 1,625%, làm suy giảm sức hấp dẫn của những cổ phiếu tăng trưởng cao thuộc các nhóm như công nghệ. Trái lại, hưởng lợi là những cổ phiếu có độ phụ thuộc cao vào chu kỳ kinh tế như cổ phiếu tài chính và các cổ phiếu vốn hoá nhỏ.

Lợi suất tăng là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang lo về lạm phát và khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nâng lãi suất sớm hơn dự báo. Tuy nhiên, những ngày gần đây, lợi suất trái phiếu 10 năm vẫn nằm trong một biên độ không gây quá nhiều lo ngại và hạn chế được sự luân chuyển vốn giữa các nhóm cổ phiếu khác nhau.

Trong phiên ngày thứ Sáu (28/5), tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là chỉ số tiêu dùng tư nhân (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Số liệu này sẽ là căn cứ quan trọng để thị trường dự báo về đường đi chính sách của Fed trong thời gian tới.

“Số liệu việc làm cho thấy nền kinh tế tiếp tục có bước tiến. Nếu báo cáo việc làm tiếp theo là một con số mạnh, thì điều đó sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thị trường. Nhưng từ nay tới lúc đó, tôi cho rằng thì trường sẽ giằng co vì có nhiều sự bấp bênh”, Giám đốc đầu tư Brad McMillan của Commonwealth Financial Network nhận định. “Fed vẫn nói sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng họ cũng nói đã bắt đầu lo lắng một chút (về lạm phát). Đó rõ ràng là một trở ngại”.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,41%, đạt 34.464,64 điểm. S&P 500 tăng 0,12%, đạt 4.200,88 điểm. Nasdaq giảm 0,01%, còn 13.736,28 điểm.

Nguyên nhân khiến Nasdaq đuối so với Dow Jones và S&P 500 trong phiên này là cổ phiếu công nghệ bị bán ra. Trong khi đó, Dow Jones nhận được cú huých từ mức tăng 3,9% của cổ phiếu Boeing, sau khi đối thủ của Boeing là Airbus lên kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng nhờ lạc quan vào sự phục hồi của ngành hàng không sau đại dịch.

Cổ phiếu General Electric, một nhà cung cấp lớn của Boeing, tăng 7,1%. Hai cổ phiếu này trở thành trụ cột trong nhóm công nghiệp của S&P 500, đưa nhóm này trở thành nhóm tăng mạnh nhất trong phiên.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá phiên này nhiều gấp 1,85 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,95 lần.

Toàn thị trường có 12,48 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 10,52 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề