Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC. |
Giá dầu thô không giữ được thành quả tăng và chốt phiên trong trạng thái giảm do đồng USD mạnh lên và khả năng Liên minh châu Âu (EU) sẽ không áp trừng phạt lên dầu Nga.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 254,47 điểm, tương đương tăng 0,7%, đạt 34.807,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,1%, đạt 4.511,61 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng gần 2%, đạt 14.108,82 điểm.
Thị trường đã biến động mạnh trong phiên ngày thứ Hai, khi ông Powell nói rằng “lạm phát đang quá cao” và cam kết sẽ thực hiện “tất cả những gì cần thiết” để đưa sự tăng giá về tầm kiểm soát. Những phát biểu này được người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đưa ra chỉ 1 tuần sau khi Fed có đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018.
“Những gì mà ông Powell nói ngày hôm qua khiến thị trường phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, nhưng vẫn hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ xảy ra”, chiến lược gia Liz Young thuộc SoFi nói với hãng tin CNBC.
Nhiều nhà đầu tư đã nâng kỳ vọng về tiến độ tăng lãi suất của Fed, vì ông Powell nói rằng Fed có thể nâng lãi suất với bước nhảy lớn hơn so với dự báo trước đó.
“Nếu chúng tôi kết luận rằng việc nâng lãi suất mạnh hơn bước nhảy 0,25 điểm phần trăm mỗi lần là phù hợp, thì chúng tôi sẽ làm như vậy”, ông Powell phát biểu hôm thứ Hai tại Hiệp hội Kinh tế học kinh doanh Quốc gia (NABE).
Ngân hàng Goldman Sachs ngày thứ Hai nâng khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong các cuộc họp tháng 5 và 6. Chuyên gia kinh tế Jonathan Pingle của ngân UBS cho rằng “khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm đang tăng lên”.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc đạt 2,392% trong phiên ngày thứ Ba, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Cổ phiếu ngân hàng tăng giá cùng lãi suất. JPMorgan Chase tăng 2,1% và Bank of America tăng 3,1%.
Sau khi chịu áp lực giảm mạnh từ những phát biểu của ông Powell trong phiên ngày thứ Hai, cổ phiếu công nghệ tăng mạnh trở lại trong phiên ngày thứ Ba. Các Big Tech gồm Alphabet, Meta và Amazon đều tăng hơn 2% mỗi cổ phiếu.
Thị trường cũng tiếp tục dõi theo tình hình ở Ukraine, khi cuộc chiến tranh giữa Nga với nước này vẫn chưa tìm được giải pháp. Trong chuyến công du châu Âu, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Nga đang “bị dồn vào chân tường”. Theo dự kiến, ông Biden sẽ cùng các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, ít có khả năng EU sẽ gia nhập cùng Mỹ cấm vận dầu Nga. Các ngoại trưởng EU đang cho thấy sự bất đồng quan điểm trong vấn đề này. Một số nước như Đức nói rằng EU quá phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch từ Nga để có thể trụ vững nếu trừng phạt dầu Nga.
“Rõ ràng, nền kinh tế Đức sẽ hứng chịu hậu quả nếu có một sự trừng phạt như vậy, nên EU sẽ không thể cấm dầu Nga được”, nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital LLC nhận định.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,14 USD/thùng, còn 115,48 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,36 USD/thùng, còn 111,76 USD/thùng. Trong phiên ngày thứ Hai, giá của cả hai loại dầu cùng tăng 7%.
Dầu còn chịu áp lực giảm giá từ đồng USD, khi đồng bạc xanh mạnh lên nhờ khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn mà Chủ tịch Fed đưa ra.
“Từ ‘tạm thời’ mà người ta vẫn dùng để nói về lạm phát đã trở thành một quá khứ xa vời, vì giá hàng hoá cơ bản đang tăng mạnh”, nhà môi giới Tamas Varga của PVM Oil phát biểu. “Các ngân hàng trung ương, đi đầu là Fed, đang sẵn sàng để tăng mạnh lãi suất”.
Đầu tháng này, giá dầu Brent vượt 139 thùng và giá dầu WTI lên mức 130 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2008.