Chứng khoán Mỹ sụt mạnh vì lãi suất tăng, giá dầu lao dốc, Bitcoin tuột mốc 40.000 USD

0:00 / 0:00
0:00
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mốc 2,79% trong phiên đầu tuần, mức cao nhất kể từ năm 2019, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tâm lý cho nhà đầu tư về một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trong thời gian tới...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (11/4), khi nhà đầu tư lo ngại lãi suất tăng cao có thể kéo nền kinh tế giảm tốc. Giá dầu thô không còn giữ được mốc 100 USD/thùng vì làn sóng Covid mạnh chưa từng thấy ở Trung Quốc. Tâm lý lo ngại rủi ro cũng kéo giá Bitcoin khỏi mốc 40.000 USD lần đầu tiên trong vòng 1 tháng.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mốc 2,79% trong phiên đầu tuần, mức cao nhất kể từ năm 2019, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tâm lý cho nhà đầu tư về một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trong thời gian tới.

Bị ảnh hưởng mạnh nhất từ sự leo thang của lãi suất trong phiên này là cổ phiếu công nghệ. Chỉ số Nasdaq chốt phiên với mức giảm 2,18%, còn 13.411,96 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 413,04 điểm, tương đương giảm 1,19%, còn 34.308,08 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 1,69%, đóng cửa ở mức 4.412,53 điểm.

Diễn biến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Đơn vị: %.

Diễn biến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Đơn vị: %.

Sau một sự khởi đầu năm không thuận lợi khiến Nasdaq rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), chỉ số này đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3 với mức tăng 3,4%. Tuy nhiên, bán tháo đã quay trở lại với cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác trong tháng 4 này, khiến Nasdaq từ đầu tháng đến nay mất hơn 5% điểm số. So với mức đỉnh mọi thời đại, chỉ số này hiện giảm 17%.

“Những diễn biến ngày hôm nay của thị trường đều phản ánh thay đổi của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của National Securities nhận định. “Và thật khó để dự đoán liệu điều gì sẽ phá vỡ chu kỳ này trừ phi lợi suất ổn định trở lại hoặc bắt đầu giảm xuống một chút”.

Mối lo lãi suất tăng đã khiến giới đầu tư ở Phố Wall bán tháo những tài sản có độ rủi ro cao hơn trong thời gian gần đây, chẳng hạn như cổ phiếu công nghệ bị xả trong phiên này. Cổ phiếu Microsoft chốt phiên với mức giảm 3,9%. Hai phiếu chip lớn là Nvidia và AMD giảm tương ứng 5,2% và 3,6%.

Giá dầu thô xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 vì nhà đầu tư lo ngại phong toả chống Covid ở Trung Quốc sẽ gây áp lực giảm lên nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Cổ phiếu dầu khí vì vậy cũng có một phiên giảm mạnh: Occidental Petroleum giảm gần 6,3%; Diamondback Energy mất 4,8%; và ConocoPhillips sụt 4,9%.

Trái lại, cổ phiếu hàng không có một phiên tăng rực rỡ. Delta Air Lines nhảy 4%; Alaska Air Group tăng 1%; American Airlines tăng 2,3%; Southwest Airlines đội 3,4%; và United Airlines Holdings chốt phiên với mức tăng 1,1%.

Giới đầu tư đang chờ số liệu lạm phát tháng 3 của Mỹ dự kiến công bố trong ngày thứ Ba (12/4). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dự báo tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước – theo số liệu của Dow Jones, và đây sẽ là mức đỉnh mới của 40 năm. Ngoài ra, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2022 cũng sẽ bắt đầu trong tuần này.

Với sự leo thang chóng mặt của lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt. Tuy nhiên, phát biểu trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS hôm Chủ nhật, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, cho rằng Fed vẫn có thể đưa lạm phát về tầm kiểm soát mà không gây ra thiệt hại lớn cho tăng trưởng kinh tế.

“Nếu nhìn vào các rủi ro, với những gì đang xảy ra trên thế giới và trong nền kinh tế Mỹ, có thể thấy rằng rủi ro suy thoái đã tăng lên”, bà Mester nói. “Nhưng tôi vẫn lạc quan, và tin rằng sự tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ duy trì trong năm nay”.

Vị quan chức Fed nói thêm rằng phong toả chống Covid ở Trung Quốc sẽ làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng – một nguyên nhân đẩy lạm phát lên cao ở Mỹ.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 4,18%, chốt phiên ở mức 98,48 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent giảm dưới mốc 100 USD/thùng kể từ hôm 16/3.

Giá dầu thô WTI giao sau tại New York trượt 4,04%, còn 94,29 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI giảm còn 92,93 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ hôm 25/2.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.

“Sự lây lan của Covid ở Trung Quốc là nhân tố tiêu cực nhất ảnh hưởng đến thị trường dầu ở thời điểm hiện tại”, Chủ tịch Andy Lipow của Lipow Oil Associates phát biểu. “Nếu Covid lan rộng khắp ở Trung Quốc, hệ quả sẽ là phong toả hàng loạt, và tác động đến thị trường dầu có thể rất lớn”.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Riêng Thượng Hải, thành phố 26 triệu dân đang bị phong toả, chiếm khoảng 4% tiêu thụ dầu thô của nước này.

Nguy cơ suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu vì Covid ở Trung Quốc tạo ra một sự cân bằng cho phương trình cung-cầu, vì thị trường vẫn đang lo về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga do chiến tranh Nga-Ukraine. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung dầu từ Nga có thể thiệt hại 3 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Moscow liên quan đến vấn đề Ukraine.

Tuần trước, tuyên bố các nước thành viên của tổ chức này sẽ xả thêm 60 triệu thùng dầu ngoài số 180 triệu thùng dầu mà Mỹ đã tuyên bố xả trước đó.

Cũng trong tuần trước, giá dầu WTI giảm 1% và giá dầu Brent giảm 1,5%, đánh dấu tuần giảm giá thứ tư của cả 2 loại dầu trong vòng 5 tuần gần nhất.

Giá dầu đã biến động mạnh kể từ khi Nga tấn công Ukraine. Hôm 7/3, giá dầu WTI có lúc lên 130,5 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Đến nay, giá dầu WTI đã giảm 30%. Giá dầu Brent cũng có lúc vượt 139 USD/thùng trong tháng 3.

Tâm lý lo ngại rủi ro cũng đang ảnh hưởng bất lợi đến giá tiền ảo, đặc biệt là giá Bitcoin, một lần nữa cho thấy kênh đầu tư này đang được nhà đầu tư xem như một tài sản rủi ro thay vì một “hầm trú ẩn”. Trong phiên ngày thứ Hai, giá Bitcoin giảm dưới ngưỡng hỗ trợ chủ chốt 40.000 USD lần đầu tiên kể từ hôm 16/3.

Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 39.648 USD, giảm gần 6% so với thời điểm cách đó 24 tiếng.

Diễn biến giá Bitcoin từ đầu năm đến nay. Đơn vị: nghìn USD/Bitcoin.

Diễn biến giá Bitcoin từ đầu năm đến nay. Đơn vị: nghìn USD/Bitcoin.

“Bitcoin và các tài sản truyền thống đang tiếp tục phản ứng tiêu cực với kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Báo cáo CPI ngày thứ Ba có thể sẽ gây áp lực giảm lớn lên giá các tài sản này”, nhà phân tích Riyad Carey thuộc Kaiko phát biểu. “Trên phạm vi toàn cầu, cuộc chiến ở Ukraine và phong toả gia tăng ở Trung Quốc cũng đang kéo tụt các thị trường”.

Chuyên đề