Chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới sau báo cáo lạm phát, giá dầu đi lên, Bitcoin vững giá

0:00 / 0:00
0:00
S&P 500 và Dow Jones cùng lập kỷ lục phiên thứ hai liên tiếp, giá dầu tăng khá mạnh sau một phiên giằng co, giá Bitcoin bám trụ ở vùng đỉnh kể từ tháng 5...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ cùng lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (11/8), sau khi báo cáo lạm phát cho thấy giá cả ở nước này tiếp tục tăng nhưng không quá “nóng”.

Giá dầu thô cũng tăng và giá tiền ảo Bitcoin vững ở vùng đỉnh của 3 tháng.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,6%, đạt 35.484,97 điểm, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử. Dẫn đầu sự đi lên của chỉ số trong phiên này là những cổ phiếu như Caterpillar và Home Depot.

S&P 500 tăng 0,2%, đạt 4.447,7 điểm, cũng là mức điểm chốt phiên kỷ lục.

Riêng chỉ số Nasdaq giảm trong phiên này, với mức giảm 0,1%, còn 14.765,14 điểm.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo tăng 5,3% mà các chuyên gia kinh tế được Dow Jones khảo sát đưa ra trước đó. Nếu so với tháng 6, CPI tháng 7 tăng 0,5%.

Lạm phát lõi - chỉ số được nhà đầu tư chú trọng hơn - cho thấy lạm phát ở Mỹ có thể đã qua đỉnh và nền kinh tế duy trì được sự tăng trưởng vững vàng. Không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, CPI lõi tháng 7 tăng 0,3%, thấp hơn mức dự báo tăng 0,4%. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi tăng 4,3%.

“Nhà đầu tư vui mừng khi chứng kiến tốc độ tăng giá có chậm lại một chút. Điều này củng cố quan điểm rằng lạm phát cao gần đây chỉ là vấn đề tạm thời và là một hệ quả của việc mở cửa trở lại nền kinh tế”, Giám đốc chiến lược Mike Loewengart thuộc E*TRADE Financial nhận định với trang CNBC. “Bởi vậy, cho dù lạm phát vẫn còn ở mức cao, thị trường dường như đã phản ánh được vào giá cổ phiếu rồi”.

Giá ô tô cũ - nhóm mặt hàng mà các nhà đầu tư ở Phố Wall theo dõi suốt những tháng gần đây như một dấu hiệu của lạm phát vượt kiểm soát - chỉ tăng 0,2% trong tháng 7, sau khi tăng hơn 10% trong tháng 6.

Báo cáo lạm phát “sẽ xoa dịu mối lo của nhà đầu tư rằng Fed quá chậm chạp trước sức ép lạm phát” - chiến lược gia trưởng Seema Shah của Principal Global Investors nói với CNBC.

“Chi tiết của dữ liệu cho thấy áp lực giá cả đã giảm bớt ở những yếu tố liên quan đến sự mở cửa trở lại của nền kinh tế và những nút thắt nguồn cung. Qua đó, có thể thấy rằng lạm phát có lẽ đã đạt đỉnh. Các nhà đầu tư thuộc phe cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời đang cảm thấy quan điểm của họ được chứng minh phần nào”.

Bản báo cáo lạm phát củng cố quan điểm của Fed rằng áp lực lạm phát cao chỉ là vấn đề tạm thời khi nền kinh tế Mỹ hồi phục sau đợt suy thoái do đại dịch gây ra. Nhờ đó, thị trường giảm bớt mối lo về việc Fed có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự báo.

Dù vậy, một số quan chức Fed với quan điểm cứng rắn vẫn muốn ngân hàng trung ương này hành động sớm. Trong một cuộc trao đổi với CNBC ngày 11/8, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, ông Robert Kaplan, nói Fed nên bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản vào tháng 10.

Đây là phiên lập kỷ lục thứ hai liên tiếp của chứng khoán Mỹ. Trong phiên ngày thứ Ba, hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cũng đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq đã giảm liên hai phiên gần nhất do các nhà đầu tư bán cổ phiếu công nghệ và mua những cổ phiếu gắn với sự phục hồi kinh tế.

Đà tăng này của chứng khoán Mỹ diễn ra bất chấp số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới do sự lây lan nhanh của biến chủng Delta.

“Tiêm chủng trên diện rộng và các biện pháp giãn cách đã giúp hạn chế ảnh hưởng của biến chủng Delta, tăng trưởng kinh tế vẫn có thể gặp trở ngại nếu một số hạn chế được áp đặt trở lại và người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn”, chiến lược gia Barry Gilbert thuộc LPL Financial nhận định. “Mức độ biến động của thị trường có thể gia tăng do bién chủng Delta, nhưng chúng tôi cho rằng S&P 500 sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian từ nay đến cuối năm”.

Giá dầu giằng co mạnh trong phiên ngày thứ Tư, sau khi Nhà Trắng kêu gọi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tăng sản lượng khai thác dầu.

Giá dầu đã giảm tới 2% sau khi lời kêu gọi này được đưa ra, nhưng đảo chiều và tăng khá mạnh vào cuối phiên.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,36%, đạt 69,25 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,15%, đạt 71,44 USD/thùng.

Trên thị trường tiền ảo, Bitcoin vững giá trong vùng 45.000-46.000 USD. Lúc hơn 7h sáng nay (12/8) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu trên trang Coinmarketcap.com đứng ở 45.786 USD, tăng 0,4% so với cách đó 24 tiếng và tăng 15% trong vòng 1 tuần trở lại đây.

Chuyên đề