Chứng khoán Mỹ lại lập kỷ lục mới, giá dầu tăng dù Trung Quốc xả dự trữ

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, phiên đầu tiên của tháng 11. Giá dầu cũng tăng do triển vọng lạc quan về nhu cầu tiêu thụ, bất chấp việc Trung Quốc xả dự trữ chiến lược...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,26%, đạt 35.913,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,18%, đạt 4.613,67 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,63%, đạt 15.595,92 điểm.

Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hoá nhỏ tăng 2,7%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 8.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 8 nhóm chốt phiên trong trạng thái tăng, dẫn đầu là nhóm năng lượng.

Tương tự như trong tuần trước, động lực tăng của giá cổ phiếu ở Phố Wall phiên này vẫn là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 khả quan.

Tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Báo cáo việc làm tháng 10 công bố vào ngày thứ Sáu cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư, trong khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh vẫn tiếp tục diễn ra.

“Cuộc họp tháng 11 của Fed, báo cáo việc làm tháng 10, và một loạt báo cáo tài chính sẽ là những nhân tố cho một tuần giao dịch sôi động”, chuyên gia Chris Hussey của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.

Kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo đã đưa các chỉ số chứng khoán Mỹ kết thúc tháng 10 ở mức cao kỷ lục, trong đó S&P 500 và Nasdaq chốt tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.

Theo dữ liệu từ FactSet tính đến ngày 1/11, đã có 55,8% số công ty trong S&P 500 công bố báo cáo tài chính quý 3, trong đó 82% đưa ra mức lợi nhuận tốt hơn dự báo.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa phiên giao dịch đầu tháng với mức tăng 0,99 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 84,71 USD/thùng.

Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,48 USD/thùng, tương đương tăng 0,57%, đạt 84,05 USD/thùng.

Giá dầu tăng khi nhà đầu tư tin rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tiếp tục phục hồi nhanh hơn so với tốc độ tăng của nguồn cung. Ngoài ra, với việc Trung Quốc xả dự trữ dầu chiến lược để bình ổn giá xăng dầu trong nước, thị trường càng có lý do để tin rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, sẽ không đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu.

“Các yếu tố nền tảng của thị trường chưa hề thay đổi. Thị trường dầu sẽ tiếp tục thắt chặt trong ngắn hạn”, chuyên gia Stephen Brennock thuộc công ty môi giới PVM Oil nhận định.

Theo một cuộc khảo sát của Reuters, các nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ giữ ở vùng 80 USD/thùng trong thời gian từ nay đến cuối năm, khi nguồn cung dầu thắt chặt và giá khí đốt tăng tiếp tục thúc đẩy việc dịch chuyển từ sử dụng khí đốt sang dầu thô để phát điện.

Tuần trước, giá dầu thế giới lập đỉnh mới của 7 năm. Trong tháng 10, giá dầu đã tăng 11%.

OPEC+ sẽ họp về vấn đề sản lượng vào ngày 4/11, nhưng giới phân tích cho rằng nhóm này sẽ không tăng sản lượng nhiều hơn mức tăng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng hiện nay.

Chuyên đề