Chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh, giá dầu tăng phiên thứ hai liên tiếp, Bitcoin vượt 41.000 USD

0:00 / 0:00
0:00
Trước đó, mối lo về lãi suất tăng và lạm phát leo thang đã khiến thị trường “đỏ” ba phiên liên tiếp...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (13/4), chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp trước đó, do nhà đầu tư không còn lo lắng nhiều về số liệu lạm phát cao nhất hơn 40 năm. Giá dầu thô đi lên do mối bi quan của thị trường về tình hình đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine. Giá Bitcoin cũng đi lên theo giá cổ phiếu.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng hơn 344 điểm, tương đương tăng 1%, chốt ở 34.565 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 49 điểm, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 4.447 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2%, chốt ở 13.644 điểm.

Trước đó, mối lo về lãi suất tăng và lạm phát leo thang đã khiến thị trường “đỏ” ba phiên liên tiếp. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ vào hôm thứ Ba cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 3 tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981. Thị trường cho rằng độ “nóng” của lạm phát sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt thắt chặt chính sách tiền tệ.

Phiên phục hồi ngày thứ Tư diễn ra khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2022 khởi động, với báo cáo từ một số công ty lớn như Delta, Fastenal và BlackRock tốt hơn dự báo. Nhà đầu tư đang nóng lòng chờ xem liệu các doanh nghiệp niêm yết chống đỡ như thế nào với sức ép lạm phát ngày càng lớn.

Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase giảm 3% sau khi công ty báo cáo chi thêm 902 triệu USD cho dự phòng nợ xấu và khoản lỗ 524 triệu USD liên quan đến biến động ở thị trường Nga.

Dù tăng phiên này, chứng khoán Mỹ vẫn mất điểm trong ba phiên giao dịch đầu tiên của tuần.

“Xét tới căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine và sự cứng rắn của Fed, thị trường như vậy đã là vững vàng rồi”, CEO Sylvia Jablonski của Defiance ETFs phát biểu. “Lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu sẽ thấp hơn, nhưng vẫn có lý do để rót vốn vào cổ phiếu. Đơn giản là vì gần như chẳng có kênh đầu tư nào khác tốt hơn. Những ngày tới, chúng ta sẽ biết rõ hơn về tình hình lợi nhuận của các công ty, về tác động của lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng đối với lợi nhuận, và triển vọng của thời gian còn lại trong năm 2022”.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 4,14 USD/thùng, tương đương tăng gần 4%, chốt ở 108,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,65 USD/thùng, tương đương tăng 3,6%, chốt ở 104,25 USD/thùng.

Trước đó, giá cả hai loại dầu đã tăng khoảng 6% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba.

Nhà đầu tư ngày càng thất vọng hơn về tiến trình đàm phán nhằm đi tới một kết thúc cho cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Ukraine làm chệch hướng đàm phán hoà bình, đồng thời tuyên bố Moscow sẽ tiếp tục “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia láng giềng. Điều này cho thấy “tình hình Nga-Ukraine sẽ không sớm xuống thang” – theo nhà phân tích cấp cao Jeffrey Halley của Oanda.

“Dư địa để giá dầu giảm là hạn chế”, ông Halley nói.

“Giá dầu có giảm một chút trong mấy tuần gần đây, nhưng vẫn rất cao nếu so với tiêu chuẩn lịch sử”, chuyên gia Kieran Clancy của Capital Economics phát biểu.

Gần đây, giá dầu giảm từ mức đỉnh của 14 năm thiết lập vào tháng 3, một phần do thị trường còn chưa rõ về mức độ gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga. Theo hãng tin CNBC, vào hôm thứ Hai tuần này, sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Nga đã giảm dưới mức 10 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 7/2020.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Ba hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu do sự bùng dịch Covid-19 ở Trung Quốc. IEA cũng dự báo rằng sản lượng dầu toàn cầu có thể tăng đủ để bù đắp phần sản lượng mất mát ở Nga. Theo cơ quan này, sản lượng dầu của Nga có thể giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và mức giảm sẽ tăng lên gần 3 triệu thùng/ngày từ tháng 5 trở đi.

Các quốc gia thành viên của IEA gần đây đã cam kết xả 240 triệu thùng dầu dự trữ trong vòng 6 tháng tới, trong đó có 180 triệu thùng từ Mỹ.

Sản lượng dầu của Mỹ được dự báo tăng từ mức khoảng 11,8 triệu thùng/ngày hiện nay lên khoảng 12 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh luyện của Mỹ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Về phần mình, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã tuyên bố rằng việc bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga là điều không thể và sẽ không có chuyện OPEC bơm thêm dầu.

Tuy nhiên, OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2022, trên cơ sở các yếu tố gồm chiến tranh Nga-Ukraine, lạm phát và làn sóng Covid ở Trung Quốc. OPEC cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay sẽ tăng 3,67 triệu thùng/ngày so với năm ngoái, ít hơn 480.000 thùng so với dự báo đưa ra trong báo cáo tháng trước.

Tuần này, Trung Quốc đã nới lỏng một số biện pháp chống Covid-19, và giá dầu nhờ đó cũng hồi phục. Dù vậy, dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc và Nhật Bản đã hạn chế đà hồi phục của giá dầu.

Trong kỳ báo cáo gần nhất, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, nối tiếp xu hướng giảm của hai tháng trước đó. Số đơn đặt hàng máy móc chủ chốt của Nhật Bản cũng có tháng giảm mạnh nhất gần 2 năm.

Thị trường tiền ảo đang phục hồi theo chứng khoán Mỹ. Giá Bitcoin đã tái lập mốc 41.000 USD sau khi giảm dưới 40.000 USD vào đầu tuần. Theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com, giá Bitcoin lúc hơn 7h sáng nay (14/4) theo giờ Việt Nam đứng ở 41.126 USD, tăng 2,4% so với cách đó 24 tiếng.

Chuyên đề