Chứng khoán Mỹ giảm điểm vì nỗi lo lạm phát, giá dầu sụt mạnh vì khả năng thừa cung

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (17/11), khi nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tăng lãi suất sớm hơn dự báo...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thô cũng sụt mạnh vì mối lo nguồn cung dầu của thế giới có khả năng trở nên dư thừa.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,58%, còn 35.931,05 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,26%, còn 4.688,67 điểm. Chỉ số Nasdaq tụt 0,33%, còn 15.921,57 điểm.

Gây sức ép giảm nhiều nhất lên Dow Jones trong phiên này là cổ phiếu Visa, sau khi hãng bán lẻ trực tuyến Amazon tuyên bố dừng chấp nhận thanh toán bằng thẻ Visa phát hành ở Anh vì lý do phí giao dịch cao. Visa chốt phiên với mức giảm 5,4%.

Target là hãng bán lẻ tiếp theo công bố kết quả kinh doanh quý 3 khả quan, đồng thời nâng dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm lên mức cao hơn kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, cổ phiếu Target đóng cửa với mức giảm 5,2%, cùng trạng thái “đỏ” với cổ phiếu Walmart, khi cả hai công ty bán lẻ khổng lồ này cùng cho biết tỷ suất lợi nhuận quý 3 bị ảnh hưởng bởi những nút thắt trong chuỗi cung ứng.

Tuần này, loạt doanh nghiệp bán lẻ lớn gồm Walmart, Target, Lowe’s, và Home Depot đã đưa ra những con số khả quan về doanh thu và lợi nhuận quý 3. Số liệu bán lẻ tháng 10 mà Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Tư cũng tốt hơn kỳ vọng. Điều này cho thấy đến hiện tại, lạm phát cao chưa đặt ra rào cản cho tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Trước khi chuyển sang trạng thái giằng co trong những phiên giao dịch gần đây, chứng khoán Mỹ đã liên tục lập kỷ lục nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh khả quan.

Tuy nhiên, nhà đầu tư lo ngại rằng nếu giá cả tiếp tục leo thang, tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng và Fed sẽ phải đẩy nhanh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này đặt ra áp lực không hề nhỏ đối với giá cổ phiếu ở Phố Wall.

“Mối lo lạm phát vẫn còn đó, nhưng cũng có nhiều người vẫn tin lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời”, Giám đốc giao dịch Joe Saluzzi của Themis Trading nhận định. “Fed sẽ cố gắng giữ nới lỏng lâu nhất có thể. Nhưng nếu lạm phát tiếp tục leo thang, áp lực ngày càng lớn, thì câu hỏi đặt ra sẽ là Fed sẽ phải tăng lãi suất bao nhiêu và với tần suất tăng như thế nào”.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa với mức giảm 2,15 USD/thùng, tương đương giảm 2,6%, còn 80,28 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York sụt 2,4 USD/thùng, tương đương giảm 3%, còn 78,36 USD/thùng.

Giá dầu sụt giảm sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) trong tuần này đồng loạt cảnh báo về khả năng thị trường dầu toàn cầu chuyển sang trạng thái dư cung. Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo ngại số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao ở châu Âu có thể đặt ra trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu.

Báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu tồn kho của nước này giảm 2,1 triệu thùng trong tuần trước, thay vì tăng 1,4 triệu thùng như dự báo trước đó của giới phân tích. Tuy nhiên, dữ liệu này không đủ để giúp “vàng đen” tránh một phiên giảm giá.

“Thị trường dầu vẫn thắt chặt trên mọi phương diện ở thời điểm này, nhưng đợt tăng giá này của dầu có thể sớm dịu đi do nguồn cung tăng lên”, IEA nói trong một báo cáo hôm thứ Ba.

Hiện tại, số ca nhiễm mới Covid tăng mạnh ở châu Âu đã khiến một số nước trong khu vực tái áp các hạn chế. Tình trạng này chưa ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ dầu, nhưng “rủi ro nằm ở chỗ nếu làn sóng dịch bệnh dâng cao hơn và mức độ đi lại suy giảm mạnh, thì giá dầu có thể đương đầu với sức ép giảm lớn”, theo chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil.

Cũng vào hôm thứ Ba, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo nói tổ chức này nhận thấy thị trường dầu có thể bắt đầu thừa cung từ tháng 12, đồng thời cho biết các thành viên của nhóm sẽ phải “rất, rất thận trọng” về vấn đề tăng sản lượng.

Chuyên đề