Chứng khoán Mỹ đứt chuỗi phiên tăng, giá dầu nhảy 7% vì EU tính cấm dầu Nga

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường đã biến động mạnh trong phiên đầu tuần khi nỗi lo về lãi suất tăng một lần nữa phủ bóng lên tâm trí của giới đầu tư...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: NYSE/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: NYSE/CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (21/3), sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói rằng Fed sẽ làm bất kỳ việc gì cần thiết để chống lạm phát.

Giá dầu tăng chóng mặt sau khi có tin Liên minh châu Âu (EU) tính gia nhập cùng Mỹ trong lệnh trừng phạt nhằm vào dầu thô của Nga.

Thị trường đã biến động mạnh trong phiên đầu tuần khi nỗi lo về lãi suất tăng một lần nữa phủ bóng lên tâm trí của giới đầu tư. Ông Powell nói rằng “lạm phát đang quá cao” và tuyên bố lãi suất có thể tăng với bước nhảy lớn hơn 0,25 điểm phần trăm nếu cần thiết. Chưa đầy một tuần trước, Fed có đợt tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 201,94 điểm, tương đương giảm 0,6%, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,04%, còn 4.461,18 điểm, dù trong phiên có lúc tăng 0,4%.

Chỉ số Nasdaq giảm 0,4%, còn 13.838,46 điểm, sau khi chạm đáy của phiên với mức giảm 1,5%.

“Tôi khá lạc quan khi thị trường đã hồi phục đáng kể vào giờ cuối của phiên giao dịch”, chiến lược gia trưởng Ed Yardeni của Yardeni Research nhận định. “Tôi cho rằng thị trường đang tìm kiếm cơ hội, và có hội có thể xuất hiện trong những lĩnh vực như năng lượng và hàng hoá cơ bản. Tôi cũng nghĩ thị trường sẽ tìm thấy cơ hội ở lĩnh vực tài chính vì lãi suất đang tăng lên. Cổ phiếu công nghệ theo như tôi thấy cũng đang rất rẻ”.

Giá dầu tăng mạnh trở lại sau khi giảm vào tuần trước, sau khi có tin EU đang cân nhắc một lệnh cấm đối với dầu Nga.

Chốt phiên, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 7,12%, đạt 115,62 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 7,09%, chốt ở 112,12 USD/thùng.

Tuần này, các nhà lãnh đạo EU sẽ có một loạt cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm bàn thảo các biện pháp tăng cường trừng phạt Nga. Tại các cuộc thảo luận này, EU sẽ bàn đến việc có nên áp lệnh cấm vận đối với dầu Nga hay không. Một biện pháp trừng phạt như vậy sẽ là một đòn giáng rất mạnh vào Nga và sẽ gây ra những ảnh hưởng sâu rộng trên thị trường tài chính toàn cầu, bởi lẽ Nga là nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất của châu Âu và nền kinh tế Nga cũng có độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu khí.

“Đó sẽ là bờ vực của cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu toàn cầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nhận định.

Phía Ukraine từ chối yêu cầu của Nga về hạ vũ khí trước bình minh ngày thứ Hai tại thành phố cảng Mariupol. Trong bối cảnh hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy xung đột xuống thang, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư lại chuyển sang vấn đề liệu thị trường có tìm được nguồn cung để thay thế số dầu bị trừng phạt của Nga.

“Lạc quan về bước tiến trong đàm phán ngừng bắn đang tắt dần. Giá dầu vị thế tăng mạnh trở lại”, nhà phân tích Susannah Streeter thuộc Hargreaves Lansdown nhận định.

Cuối tuần vừa rồi, một vụ tấn công của phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen đã tấn công vào một mỏ dầu ở Yanbu, Saudi Arabia cũng khiến thị trường dầu lo sợ. Vào ngày thứ Hai, Saudi Arabia nói rằng nước này sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ một sự gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu nào do vụ tấn công này gây ra.

Báo cáo mới nhất từ OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga, cho thấy vài thành viên đang không đạt mức hạn ngạch sản lượng khai thác dầu.

Cổ phiếu dầu khí trên thị trường Mỹ tăng mạnh phiên đầu tuần, như Occidental Petroleum và Marathon Oil tăng hơn 8% mỗi cổ phiếu.

Chuyên đề