Nhân viên giao dịch trên sàn chứng khoán New York. Ảnh: Reuters |
Chốt phiên 24/4, chỉ số DJIA tăng 1,11% lên 23.775 điểm. S&P 500 tăng 1,39% lên 2.836 điểm. Tăng mạnh nhất là Nasdaq Composite với 1,65% lên 8.634 điểm.
Cổ phiếu Apple và Microsoft hôm qua đều tăng hơn 1%, kéo S&P 500 đi lên. Hai đại gia công nghệ này tuần tới sẽ công bố báo cáo tài chính quý I, giúp nhà đầu tư có đánh giá rõ nét về tác động của đại dịch với việc kinh doanh toàn cầu của họ.
Toàn bộ 11 nhóm ngành trong S&P 500 hôm qua đi lên. Công nghệ thông tin tăng 1,3% và hàng tiêu dùng không thiết yếu tăng 1,2%. Trong khi đó, cổ phiếu Boeing lại giảm 5,6% sau tin hãng này dự kiến giảm nửa sản lượng 787 Dreamliner.
Tính chung cả tuần, S&P 500 giảm hơn 1% do nhà đầu tư lo ngại kinh tế lao dốc. Hoạt động kinh doanh trong tháng 4 của Mỹ thấp nhất hơn 10 năm và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã vượt 26 triệu trong 5 tuần. Đây là tuần đầu tiên trong 3 tuần các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đi xuống.
Dù vậy, S&P 500 cũng đã tăng hơn 25% từ đáy tháng 3. Các doanh nghiệp được kỳ vọng mở cửa trở lại nhiều sau khi số ca nhiễm tại đây có dấu hiệu đạt đỉnh. Nhiều bang của Mỹ đã lên kế hoạch nới lỏng phong tỏa.
Trên thị trường dầu thô, dầu thô Mỹ WTI giao tháng 6 hôm qua tăng 2,7% lên 16,94 USD một thùng, nhờ kỳ vọng Mỹ sẽ giảm sản xuất trong bối cảnh nhu cầu co lại và chỗ chứa thiếu hụt. Dù vậy, tính chung cả tuần, giá dầu này vẫn giảm 30% do đợt bán tháo đầu tuần. Hôm thứ hai, WTI giao tháng 5 xuống dưới 0 USD lần đầu tiên trong lịch sử.
"Nhu cầu dầu vẫn là yếu tố quyết định. Đến nay, có rất ít bằng chứng cho thấy tiêu dùng sẽ sớm tăng trở lại", Tom Essaye – nhà sáng lập The Sevens Report.
Dầu Brent hôm qua cũng tăng 0,52% lên 21,44 USD một thùng. Tính chung cả tuần, Brent mất 24% và WTI giảm 7%. Đây là tuần thứ ba liên tiếp giá dầu thô đi xuống.
Giới buôn dầu dự báo mức giảm của nhu cầu sẽ còn mạnh hơn cung trong nhiều tháng, do hoạt động kinh tế gián đoạn vì đại dịch. Các hãng sản xuất dầu có thể không giảm cung đủ nhanh hoặc sâu để kéo giá lên, đặc biệt trong bối cảnh GDP thế giới dự báo giảm 2% năm nay – tệ hơn cả khủng hoảng tài chính.