Tập trung phát triển khoa học và công nghệ như là trụ cột cho tăng trưởng nhanh, bền vững. Ảnh: Minh Khuê |
Chủ động định hình tương lai
Trong chia sẻ với báo chí trước thềm Tết Nguyên đán 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng nhiều lần nhắc đến hai chữ “chủ động”. Đó là sự chủ động định hình tương lai phát triển của mình khi tầm vóc đất nước đã lớn mạnh hơn; là chủ động trong tư duy và hành động để thực hiện mục tiêu đã định; chủ động nhận diện, ứng phó với thách thức; chủ động tạo dựng và tận dụng từng cơ hội có được cho phát triển…
Người đứng đầu ngành KH&ĐT cho rằng, đã đến lúc Việt Nam có thể chủ động để quyết định tương lai của mình để cùng đồng tâm hiệp lực hướng tới “một đất nước thịnh vượng”.
Không phải lúc này, mà ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói nhiều tới khát vọng thịnh vượng của đất nước, đến tư duy đổi mới sáng tạo. Đó như là một nỗ lực truyền lửa, lan tỏa niềm tin và khát vọng vươn lên, để mỗi người Việt cùng kiến tạo được nhiều giá trị hơn cho sự phát triển của đất nước.
Tương lai ấy hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam mới chỉ tiến xa so với chính mình trong quá khứ, chưa thấm gì so với thế giới. Nhiều nước trong khu vực cách đây 40 - 50 năm chỉ tương đương với Việt Nam nhưng nay đã đi nhanh hơn nhiều lần. Việt Nam vẫn đang thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. GDP bình quân đầu người xếp thứ 136/188 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ ngang với Malaysia cách đây 20 năm, Thái Lan cách đây 15 năm...
“Chất lượng tăng trưởng còn thấp, năng suất lao động còn khoảng cách quá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ tụt hậu hiện hữu. Do đó, chặng đường phía trước là hết sức khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ.
Vì thế, khát vọng thịnh vượng chỉ có thể được hiện thực hóa khi kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục, bứt phá trong nhiều năm tới để đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì được ổn định vĩ mô.
Động lực quan trọng, tiên quyết nhất trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, là cải cách thể chế để giải phóng được sức sản xuất, khơi thông và phát huy những động lực mới mang tính đột phá cho nền kinh tế. Về phía Bộ KH&ĐT, trong năm 2019, Bộ sẽ hoàn thiện Luật Đầu tư công sửa đổi, xây dựng Luật PPP, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)…; tham mưu các giải pháp giải phóng sức sản xuất, phát huy động lực mới cho phát triển; tập trung vào phát triển khoa học và công nghệ như là trụ cột cho tăng trưởng nhanh, bền vững.
Chủ động biến thách thức thành cơ hội
Con đường phía trước của năm 2019, của trung và dài hạn đang có nhiều cơ hội và cả những rào cản. Cơ hội và thách thức đã được Chính phủ, Bộ KH&ĐT và không ít các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế chỉ ra.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói nhiều đến quan điểm, tâm thế, cách đón nhận, ứng phó với cơ hội - thách thức, thậm chí biến thách thức thành cơ hội.
Đối diện thách thức với tâm thế chủ động, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cơ hội và thách thức luôn song hành, cơ hội cũng có thể chuyển hoá thành thách thức và ngược lại, tuỳ thuộc vào cách mà các chủ thể nhận diện, quyết định hành động.
Người đứng đầu ngành KH&ĐT nhận định, thách thức của quốc gia này lại có thể là cơ hội của đất nước khác. Cơ hội là bình đẳng như nhau, quan trọng ở người có biết nắm bắt hay không. Phải tận dụng, chắt chiu cơ hội và tránh đi những thách thức. Quốc gia nào tận dụng tốt sẽ thành công.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lấy ví dụ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội vô cùng quý báu nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách liên quan đến công nghệ, con người. Nếu Việt Nam nhạy bén thì đất nước có thể đi tắt để phát triển bứt phá. Nhưng nếu chúng ta không tận dụng được thì khoảng cách với các nước càng rộng, nguy cơ tụt hậu càng rõ.
Hay như về thương mại, đầu tư, Việt Nam tham gia nhiều hơn các hiệp định thương mại tự do cùng với sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư có lợi cho Việt Nam, có cơ hội mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, nhưng nếu không tận dụng, chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế tận dụng cơ hội, hành động kịp thời, chính xác thì cơ hội đó lại biến thành khó khăn, thách thức. Năm 2018, tình hình thương mại thế giới phức tạp nhưng xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tốt cho thấy chúng ta đã biết tận dụng cơ hội, biến khó khăn của nơi khác thành thời cơ của chính mình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ quyết tâm tiên phong trong cải cách, đổi mới, chủ động tạo dựng và tận dụng các cơ hội cho phát triển.