Chọn xong nhà đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 2 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đoạn Nha Trang - Cam Lâm và đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt với tổng mức đầu tư phân kỳ là 20.953 tỷ đồng. Dự kiến, hợp đồng sẽ được ký kết vào cuối tháng 1/2021.
Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt được thực hiện theo hợp đồng BOT. Ảnh minh họa: Song Lê
Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt được thực hiện theo hợp đồng BOT. Ảnh minh họa: Song Lê

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) là đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Theo quyết định phê duyệt của Bộ GTVT, nhà đầu tư trúng thầu thực hiện Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, hợp đồng dự án là xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Dự án được thực hiện tại tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 7.615 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư cập nhật sau bước thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình là 5.536,15 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư là 2.556,99 tỷ đồng; phần vốn nhà nước là 2.979,16 tỷ đồng gồm 1.800,28 tỷ đồng vốn góp xây dựng công trình, 1.178,88 tỷ đồng là phần vốn hỗ trợ của Nhà nước thực hiện một số công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giá đề nghị trúng thầu (vốn góp của Nhà nước) là 1.788,28 tỷ đồng. Thời gian Nhà đầu tư xây dựng công trình là 2 năm, thời gian thu phí và vận hành khai thác là 16 năm 3 tháng 28 ngày.

Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh xác minh thông tin về năng lực của Nhà đầu tư trước khi ký hợp đồng, cùng Nhà đầu tư rà soát nội dung dự thảo hợp đồng trình Bộ GTVT đàm phán, ký kết.

Đối với Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, nhà đầu tư trúng thầu thực hiện Dự án là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2. Trong đó, Công ty TNHH Hòa Hiệp là nhà đầu tư đứng đầu Liên danh, đảm nhận 40% khối lượng công việc, 4 thành viên còn lại mỗi thành viên đảm nhận 15% khối lượng công việc.

Dự án được thực hiện theo hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 13.338 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư cập nhật theo dự toán điều chỉnh là 11.722 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư theo kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là 11.157,82 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư là 5.090,08 tỷ đồng, phần vốn nhà nước là 6.067,73 tỷ đồng gồm 4.159,59 tỷ đồng vốn góp của Nhà nước để hỗ trợ xây dựng công trình, 1.908,14 tỷ đồng vốn hỗ trợ của Nhà nước thực hiện một số công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giá trị đề nghị trúng thầu đối với phần vốn góp của Nhà nước là 4.159,59 tỷ đồng. Dự án này đi qua 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, được xây dựng trong 3 năm và thời gian thu phí, vận hành khai thác là 16 năm 6 tháng 8 ngày.

Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án 6 tiến hành xác minh thông tin về năng lực của Liên danh nhà đầu tư trước khi ký hợp đồng, cùng Liên danh nhà đầu tư rà soát nội dung dự thảo hợp đồng trình Bộ GTVT đàm phán, ký kết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, sau khi sơ tuyển và phát hành hồ sơ mời thầu rộng rãi, mỗi dự án thành phần trên có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, nhưng chỉ có 1 nhà đầu tư vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, được mở hồ sơ đề xuất về tài chính và trúng thầu. Các nhà đầu tư trúng thầu đang trong quá trình đàm phán, rà soát các điều khoản hợp đồng và dự kiến sẽ ký hợp đồng vào cuối tháng 1/2021. So với các dự án BOT ở giai đoạn trước, các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam có nhiều tiền đề thuận lợi như có sự tham gia góp vốn của Nhà nước để nâng cao hiệu quả tài chính của Dự án; thời gian hoàn vốn đầu tư dưới 17 năm (các dự án BOT trước đó có thời gian hoàn vốn từ 20 - 30 năm nên phương án tài chính có nhiều rủi ro hơn). Các hợp đồng BOT dự án thành phần này sẽ áp dụng nhiều quy định mới, bảo đảm chặt chẽ hơn, nhà đầu tư phải “lời ăn lỗ chịu” và hợp đồng là cơ sở pháp lý cao nhất theo suốt quá trình thực hiện các dự án.

Chuyên đề