Chọn tư vấn thẩm định giá đất tại TP.HCM: Nhà thầu “ngó lơ”, giải ngân đạt thấp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thẩm định giá (TĐG) đất tại nhiều dự án của TP.HCM đang gặp khó khăn. Kinh phí thấp, trách nhiệm cao, rủi ro thường trực khiến đội ngũ nhà thầu TĐG không tích cực dự thầu. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) bị chậm, kéo theo hệ lụy tiến độ giải ngân đầu tư công của TP.HCM thấp.
Kinh phí thấp, trách nhiệm cao, rủi ro thường trực dẫn tới khó chọn nhà thầu thẩm định giá đất, kéo theo công tác giải phóng mặt bằng bị chậm, ách tắc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Kinh phí thấp, trách nhiệm cao, rủi ro thường trực dẫn tới khó chọn nhà thầu thẩm định giá đất, kéo theo công tác giải phóng mặt bằng bị chậm, ách tắc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM, Gói thầu Thực hiện công tác TĐG xác định giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) để tính nghĩa vụ tài chính đối với Dự án Xây dựng 1.330 căn hộ tại phường Bình Khánh, Quận 2 (lô đất ký hiệu R8, R9) khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đã liên tục phải gia hạn đóng thầu để thu hút nhà thầu tham gia.

Trong khi đó, Sở Tài chính TP.HCM cũng gặp tình trạng này tại hàng loạt gói thầu TĐG tài sản là QSDĐ. Đơn cử như Gói thầu Thuê doanh nghiệp TĐG Thửa đất số 159, Tờ bản đồ số 8, địa chỉ số 409/14 Nguyễn Trãi, Phường 7, Quận 5, TP.HCM (335 - 48) phải gia hạn đến 3 lần mới tìm được đơn vị thực hiện.

Không chỉ các bên mời thầu cấp sở, ngành gặp khó khăn mà cấp quận/huyện cũng gặp khó khăn gấp nhiều lần khi tổ chức lựa chọn nhà thầu TĐG đất.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Trần Văn Bảy, một trong những nguyên nhân lớn nhất đang cản trở tiến độ giải ngân đầu tư công chính là công tác TĐG đất phục vụ dự án đang quá chậm. “Quy định hiện hành phân cấp cho các quận/huyện nơi có dự án triển khai làm đầu mối, chịu trách nhiệm về hồ sơ TĐG đất, trong đó có việc lựa chọn đơn vị tư vấn TĐG để từ đó xác định khung giá bồi thường và các chính sách kèm theo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, khâu TĐG tại các cấp này đang bị ách tắc, chậm trễ, kéo dài nhiều năm”, ông Bảy khẳng định.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ từ các quận/huyện, đặc biệt là Ban Bồi thường GPMB, hiện nay, công tác đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn TĐG đất gần như “án binh bất động” do các nhà thầu không mặn mà, ít quan tâm. “Kinh phí của công tác TĐG đất dự án phục vụ bồi thường, GPMB hiện quá thấp. Trong khi đó, rủi ro, trách nhiệm của đơn vị TĐG lại quá cao. Do đó, việc liên tục mời thầu, gia hạn, hủy thầu các gói thầu này ở những quận/huyện cần phải GPMB phục vụ dự án xảy ra thường xuyên, chưa có giải pháp khắc phục”, vị đại diện Sở này thông tin thêm.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Đấu thầu, một số ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận tại TP.HCM than thở, dù được giao triển khai dự án, có vai trò then chốt trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công, tăng tỷ lệ giải ngân, nhưng với khâu quan trọng nhất - GPMB, các chủ đầu tư lại trong thế “mắc kẹt”. “Tình trạng khá phổ biến là hợp đồng với nhà thầu đã ký kết, nhưng mặt bằng chưa được nhận từ Ban Bồi thường. Các thành viên của Ban thường phải túc trực, tham gia nhiều cuộc họp của chính quyền liên quan đến công tác bồi thường để nắm bắt tiến độ bàn giao mặt bằng. Nhiều trường hợp do thủ tục kéo dài, đơn giá khi áp dụng lại quá thấp so với thị trường, người dân không tích cực hợp tác, chủ đầu tư phải chịu nhiều áp lực với Thành phố, với người dân và với các nhà thầu”, đại diện một ban quản lý dự án chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM, hiện tiến độ giải ngân dự án đầu tư công của TP.HCM rất thấp. “Các dự án có quy mô vốn lớn, phạm vi GPMB rộng đang rất khó khăn để cải thiện công tác giải ngân. Đặc biệt, các dự án quy mô vốn trên 200 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đang phổ biến dưới 10%. Nhiều dự án giải ngân bằng 0 kéo dài như: Dự án Trung tâm Triển lãm quy hoạch (hơn 350 tỷ đồng), Dự án Bệnh viện Đa khoa Phạm Ngọc Thạch… Các dự án giao thông quy mô lớn như: Dự án Nút giao An Phú, Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2, Dự án Hầm giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh… đều đang rất “ì ạch”.

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TP.HCM, việc chưa thống nhất khi triển khai các quy định về đơn giá bồi thường, chính sách bồi thường, xác định giá đất tại các dự án, các quận/huyện đã và đang trực tiếp cản trở công tác giải ngân đầu tư công. Vấn đề mấu chốt là cần phải nâng cao năng lực, chuyên môn của các Ban Bồi thường GPMB ở cấp quận/huyện mới đẩy nhanh được tiến độ GPMB. Nếu công tác TĐG gặp khó khăn về kinh phí, cần có điều chỉnh phù hợp để các nhà thầu thực sự quan tâm, nâng cao chất lượng công tác này để người dân đồng thuận với chính sách bồi thường của Thành phố.

Chuyên đề