Đến nay đã có 3 ngân hàng được công nhận đạt tiêu chuẩn Basel II. Ảnh: Minh Dũng |
Đạt Basel II, được tăng trưởng tín dụng cao hơn
NHNN cho biết, đến cuối năm 2018, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 14% so với cuối năm 2017. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, mức tăng trưởng trong tầm kiểm soát này là phù hợp với bối cảnh nền kinh tế hiện nay và định hướng của NHNN tiếp tục là đáp ứng vốn cho nền kinh tế, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các rủi ro của hệ thống.
Về chính sách tín dụng năm 2019, NHNN định hướng tăng trưởng ở mức 14%. Theo đó, NHNN sẽ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng; kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
Liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng, theo bà Hồng, trong năm 2019, NHNN tiếp tục khuyến khích các ngân hàng tái cơ cấu và nâng cao khả năng quản trị.
“Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, còn một năm nữa là các ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng phải vào cuộc quyết liệt. NHNN khuyến khích các ngân hàng thực hiện quy định này càng sớm càng tốt. Các ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn nêu trên trước ngày 1/1/2020 sẽ được cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với các TCTD khác”, bà Hồng cho biết và thông tin thêm: “NHNN đã thành lập tổ chức thẩm định việc thực hiện quy định này tại các ngân hàng. Đến nay, đã có 3 ngân hàng được công nhận đạt tiêu chuẩn Basel II”.
Không để phát sinh nợ xấu ngoài tầm kiểm soát
Bên cạnh chú trọng kiểm soát tăng trưởng tín dụng, việc giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành ngân hàng.
Liên quan đến công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, NHNN cho biết đã và đang phối hợp với các TCTD triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”.
Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN cho biết, việc xử lý nợ xấu theo hai văn bản nêu trên đã đạt được kết quả rất tích cực trong năm 2017 và 2018. Theo đó, các chỉ số cơ bản của hệ thống tín dụng vào thời điểm cuối năm 2018 là khả quan, nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) ở mức trên 5%. Năm 2019, ngành ngân hàng sẽ phấn đấu đưa chỉ tiêu này xuống mức dưới 5% theo yêu cầu tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
“Việc xử lý nợ xấu là khó khăn và có nhiều vướng mắc, bởi không đơn thuần là công việc của ngành ngân hàng mà còn liên quan đến các bộ, ban ngành. Với yêu cầu của Chính phủ về xử lý nợ xấu, trong năm 2019, cần đặc biệt quan tâm xử lý nợ xấu từ việc tháo gỡ các vướng mắc, đáng chú ý là những quy định về thu giữ tài sản đảm bảo. NHNN đang trình Chính phủ các nội dung tháo gỡ vướng mắc có liên quan đến các bộ, ngành khác để có các giải pháp phối hợp cùng giải quyết”, ông Phi nói.
Đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN cho biết thêm: ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh và tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, không để nợ xấu mới phát sinh ngoài tầm kiểm soát, dù nợ xấu là rủi ro đồng hành với hoạt động của ngành ngân hàng. NHNN sẽ tăng cường chỉ đạo các TCTD đảm bảo tăng trưởng tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên, hạn chế cấp tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, đồng thời tiết kiệm chi phí không cần thiết, tạo điều kiện trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nhanh.