Ở Nhật Bản, nhiều người không có khái niệm hàng hóa phải tăng giá đều đặn theo thời gian. "Những người sinh ra trong thập niên 1980 và 1990 hầu như không có trải nghiệm về lạm phát. Vì vậy, ngay cả khi họ được thông báo rằng lạm phát đang đến, họ vẫn không tin điều đó", ông Tsutomu Watanabe, Giáo sư Đại học Tokyo và là cựu nhân viên ngân hàng trung ương nước này cho biết.
Một thanh niên 20 tuổi ở Nhật Bản ngày nay đã trải qua mức lạm phát trung bình 0,1% trong suốt cuộc đời. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda nói rằng mục tiêu lạm phát 2% là không thể đạt được.
Chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật Bản các thập niên qua.Đồ họa: WSJ
Một giai đoạn giá gần như đi ngang quá dài là bản chất của quá trình "Nhật Bản hóa", mà cả Mỹ và châu Âu đều đang sợ rơi vào. Tương tự như Ngân hàng Nhật Bản, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mong muốn lạm phát ở mức 2% vì thấy nó phù hợp với một kinh tế lành mạnh. Dù lạm phát của Mỹ đã tiến gần tới mức đó nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu trong nhiều năm qua.
Chính vì thế, các quan chức Fed đang xem xét nhiều phương pháp để tránh rơi vào bẫy lạm phát thấp đã khiến Nhật Bản "khốn đốn". Các lựa chọn được cân nhắc bao gồm cho phép rõ ràng hơn hoặc thậm chí là khuyến khích lạm phát trên 2% để nâng cao kỳ vọng lạm phát của công chúng.
Bởi lẽ, các ngân hàng trung ương tin rằng, kỳ vọng lạm phát thấp có thể dẫn đến tâm lý là người tiêu dùng sẽ chùn bước nếu giá cả hàng hoá cao hơn và doanh nghiệp sẽ kiềm chế trong việc tăng giá cả và tiền lương.
"Lạm phát phần lớn dưới mục tiêu của chúng ta có thể dẫn đến một động lực không lành mạnh, khiến kỳ vọng lạm phát dài hạn giảm xuống và kéo lạm phát thực tế thậm chí còn thấp hơn", Chủ tịch Fed Jerome Powell nói trong một cuộc họp báo ngày 11/12.
Natsumi Ozaki, sinh viên đại học làm việc bán thời gian tại Tokyo Disney Resort, đã từ chối mua một món đồ lưu niệm sau khi nó tăng giá. "Tôi thường ngạc nhiên khi một thứ nhỏ như vậy có thể có giá cao đến thế. Tôi đôi khi phải từ bỏ việc mua hàng vì có giá cao hơn tôi nhớ", cô cho biết.
Nghiên cứu của ông Kuroda chỉ ra rằng kỳ vọng lạm phát thấp đã khiến lạm phát ở Nhật không thể tăng nổi. Người tiêu dùng nước này đã quen với việc giá hàng hóa thấp và trừng phạt bất kỳ nhà bán lẻ nào cố gắng tăng giá.
Rina Sato, một sinh viên đại học 22 tuổi, cho biết cô không mua nước ngọt thời gian gần đây vì các siêu thị trong khu phố không chịu giảm giá bán. "Vì tôi biết giá có thể thấp hơn nên tôi không muốn mua với giá thông thường. Nếu chờ một lúc nữa, giá có thể sẽ giảm", cô nói.
Hideo Hayakawa, cựu giám đốc điều hành Ngân hàng Nhật Bản, nhớ lại phản ứng dữ dội từ các nhà kinh tế trẻ sau khi ngân hàng trung ương bắt đầu mua một lượng lớn trái phiếu từ các ngân hàng thương mại nhằm nỗ lực thúc đẩy lạm phát.
Ông giải thích, khi người tiêu dùng nhìn thấy dòng tiền lớn đổ vào hệ thống ngân hàng thương mại nhờ vào việc bán trái phiếu thì chắc chắn sẽ chuẩn bị cho lạm phát cao hơn. Các nhà kinh tế trẻ cho rằng vì người dân không quen với việc tăng giá nên có dùng cách này thì họ vẫn không chấp nhận lạm phát. Và họ đã nói đúng.
Ngay cả những người Nhật đủ già để còn nhớ đến lạm phát là gì thì dường như họ cũng không chấp nhận quan điểm cần phải có lạm phát của các ngân hàng trung ương. Đối với Ngân hàng Nhật Bản và Fed, lạm phát ổn định ở mức 2% là để tránh cho quốc gia rơi vào vòng xoáy của giá cả hàng hóa giảm, tiền lương giảm và nhu cầu yếu. Nhưng với người dân Nhật bình thường, giá tăng có vẻ là một biểu hiện xấu.
Các quan chức Fed tại cuộc họp tháng 12/2019 đã đồng ý rằng họ cần trao đổi rõ ràng hơn với công chúng về lý do Fed muốn và cam kết thực hiện lạm phát 2% trên cơ sở bền vững.
Một vấn đề khác đối với nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới là họ cắt giảm lãi suất xuống gần hoặc dưới 0 sau cuộc khủng hoảng tài chính để thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát. Giờ thì với lạm phát và lãi suất đã rất thấp, họ có ít có cơ hội hạ lãi suất trong cuộc suy thoái tiếp theo.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng các ngân hàng trung ương đã "cạn kiệt đạn dược". "Một khi bạn tiến tới lãi suất gần như bằng không, thì nó giống như một lỗ đen", ông nói.
Người Nhật đã quá quen với giáổn định nên sẽ quay lưng nếu món hàng nào tăng giá.Ảnh: Bloomberg
Ông Kuroda cho rằng việc nâng lạm phát cho Nhật vẫn khả thi, nhưng phải mất nhiều thời gian. Theo ông, tăng dần tiền lương và giá cả ở mức độ nhẹ sẽ thay đổi nhận thức về giá cả trong tương lai.
Rentaro Nomura, một sinh viên đại học 22 tuổi, đã được tăng lương 2 lần trong 4 năm qua trong công việc bán thời gian tại trung tâm tiệc cưới, nơi anh ta kiếm được gần 13 USD mỗi giờ. Anh muốn nhận việc toàn thời gian sau khi tốt nghiệp và hy vọng lương sẽ tăng tiếp.
Nhưng anh cũng muốn tiết kiệm thu nhập vì lo lắng cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu. Điều này phản ánh rằng, người Nhật vẫn sợ lương có tăng vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống nhiều tốn kém hơn.
Do vậy, Giáo sư Watanabe của Đại học Tokyo không lạc quan như ông Kuroda. "Quan điểm về giá cả trong số những người ở độ tuổi 20 và 30 có lẽ sẽ không bao giờ thay đổi trong suốt quãng đời còn lại", ông nói.