Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh:Star
Giải quyết vụ công dân mang hộ chiếu Triều Tiên tên Kim Chol bị sát hại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hồi giữa tháng trước bằng cách thổi bùng tranh cãi với Malaysia rồi sau đấy lại phóng tên lửa thách thức Mỹ - Nhật, Bình Nhưỡng đang cho thấy họ sẵn sàng làm leo thang căng thẳng ngoại giao, giới phân tích nhận định, theo AFP.
Hục hặc với Malaysia vì nghi án Kim Jong-nam, Triều Tiên hôm 7/3 áp đặt lệnh cấm xuất cảnh với tất cả công dân Malaysia ở nước này. Kuala Lumpur cũng có động thái tương tự.
Malaysia phong tỏa sứ quán Triều Tiên
Trong khi Hàn Quốc và Phó tổng thống Malaysia nói nạn nhận bị sát hại bằng chất độc VX ở sân bay hôm 13/2 chính là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên khăng khăng bác bỏ, đồng thời cáo buộc Malaysia đang thực hiện một "chiến dịch bôi nhọ" họ.
Daniel Pinkston, chuyên gia thuộc Đại học Troy ở Seoul, Hàn Quốc, cho rằng cách phản ứng quyết liệt là dấu hiệu thể hiện Triều Tiên đang áp dụng phương pháp quen thuộc: dùng vũ lực để giải quyết xung đột chính trị. "Nếu đối phương dùng súng hay mang pháo ra đáp trả, đó là cách họ hành động", ông nói.
Lệnh cấm công dân Malaysia xuất cảnh được ban hành cùng ngày Triều Tiên phóng 4 tên lửa đạn đạo nhằm "diễn tập tấn công các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản". Giới quan sát đánh giá đây không khác gì lời thách thức trực tiếp gửi tới Washington, trước bối cảnh tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang trong quá trình xác định phương cách đối phó với Bình Nhưỡng.
Thời điểm còn vận động tranh cử, ông Trump từng nhiều lần ngụ ý rằng đàm phản có thể là một lựa chọn nhưng trong các cuộc điện đàm hôm 7/3, Tổng thống Mỹ đã tái khẳng định "cam kết vững chắc" với đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo "những hậu quả thảm khốc" dành cho Bình Nhưỡng.
"Theo lẽ thường, Triều Tiên nên cư xử đúng mực trước khi ông Trump xác định chính sách, song họ lại đi theo con đường riêng, không màng hậu quả", Koh Yu-Hwan, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk, Hàn Quốc, nhận xét.
"Trump vẫn nói về chuyện dùng sức mạnh để đạt được hòa bình và Triều Tiên dường như cũng áp dụng logic tương tự nhưng họ không thể cạnh tranh về mặt sức mạnh", ông Koh cho biết thêm.
Đại sứ Triều Tiên bi trục xuất khỏi Malaysia
'Hậu quả thảm khốc'
Chuyên gia nhận định hành động gây căng thẳng với Kuala Lumpur là một nước đi có tính toán của Bình Nhưỡng trước khi Malaysia thông báo kết quả điều tra cuối cùng về nghi án Kim Jong-nam.
"Nó chắc chắn sẽ phá hủy mối quan hệ song phương với Malaysia nhưng tôi nghĩ cuối cùng, đây không hẳn là ưu tiên quan trọng đối với Triều Tiên", John Delury, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc, bình luận.
Trong bất kỳ trường hợp nào, "khi Malaysia đi đến kết luận nhưng Triều Tiên phủ nhận nó, họ kiểu gì cũng rơi vào thế đối đầu và một cuộc tranh cãi công khai sẽ nổ ra", ông Delury nói.
Triều Tiên phóng 4 tên lửa đạn đạo không lâu sau khi Hàn Quốc và Mỹ mở màn cuộc tập trận chung thường niên. Cuộc tập trận vốn khiến Triều Tiên giận dữ bấy lâu bởi họ coi đây là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nhằm vào nước này. Nhưng việc Bình Nhưỡng nhắm tới các căn cứ Mỹ đặt tại Nhật Bản rõ ràng là một động thái leo thang, theo AFP.
Hành động trên vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ động cồng quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã phải nhóm họp để thảo luận về các biện pháp trừng phạt tăng cường áp đặt lên Triều Tiên.
4 tên lửa Triều Tiên đồng loạt rời bệ phóng
Kim Kwang Jin, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc, cho rằng Triều Tiên phóng tên lửa "dựa trên tính toán rằng họ không thể hy vọng vào bất kỳ sự thỏa hiệp hay thay đổi nào từ chính quyền Trump".
"So với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, ông Kim Jong-un tỏ ra hung hăng hơn nhiều khi đối phó với chính quyền Mỹ mới. Họ đang phải chịu hàng loạt lệnh trừng phạt hà khắc nhưng ông ấy phớt lờ tất cả".
Một số chuyên gia đánh giá chiến lược của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ phản tác dụng. Trump được cho là giữ một lập trường "cứng rắn" hơn so với người tiền nhiệm Barack Obama trước vấn đề Triều Tiên. Tổng thống Mỹ có thể chọn cách đưa vũ khí hạt nhân vào Hàn Quốc, Choi Kang, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, trụ sở tại Seoul, nhận xét.
"Obama không thể thảo luận cởi mở việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược vì cam kết của ông về một thế giới không có vũ khí hạt nhân nhưng Trump ắt hẳn sẽ kiên quyết hơn", Choi nói. "Sau cùng, ông ấy gọi 'sự kiên nhẫn chiến lược' của Obama là một chính sách thất bại".
Khoảnh khắc người nghi là Kim Jong-nam bị sát hại