Chiến lược ngoại giao sân golf của Trump khó thành công với Tập Cận Bình

Trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tránh chơi golf với ông chủ Nhà Trắng bởi đây là môn thể thao gắn liền với hình ảnh tham nhũng ở nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) chơi golf với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Câu lạc bộ Golf Quốc tế Trump ở Florida hồi tháng hai. Ảnh:Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu thích chơi golf mỗi dịp cuối tuần. Ông dùng những buổi đánh golf để gây dựng quan hệ với các lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, ít người kỳ vọng ông chủ Nhà Trắng sẽ chơi golf với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp cấp cao lần đầu tiên giữa họ vào cuối tuần này ở bang Florida, Mỹ, theo CNN.

Trump sẽ đón tiếp ông Tập tại khu nghỉ dưỡng sang trọng Mar-a-Lago do ông sở hữu ở Palm Beach, Florida, vào ngày 6 và 7/4 nhưng triển vọng về việc hai nhà lãnh đạo cùng chơi golf để bàn công việc khó thành hiện thực, cây bút Steven Jiang từ CNN nhận định.

Ông Tập hâm mộ cuồng nhiệt bóng đá và không phải golf thủ kỳ cựu. Trái lại, ông đã phát động cuộc chiến chống lại môn thể thao xa hoa này ở Trung Quốc. Cách đây gần 5 năm, chính phủ của ông đã đóng cửa hàng loạt sân golf trên khắp cả nước và cấm hoàn toàn 88 triệu đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc chơi golf.

"Đối với ông Tập, golf là một chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc... Đó là hình ảnh biểu tượng cho tham nhũng mà ông Tập từng chỉ trích", Dan Washburn, tác giả cuốn sách "Trò chơi bị cấm: Golf và giấc mơ Trung Quốc", nhận xét.

"Nó đại diện cho nhiều vấn đề mà ông ấy đã dành thời gian đấu tranh chống lại trong nhiệm kỳ của mình, vậy nên, thật khó để hình dung chính phủ Trung Quốc sẽ ủng hộ môn thể thao này sớm", Washburn cho biết thêm.

Môn thể thao nhà giàu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người hâm mộ cuồng nhiệt bóng đá. Ảnh minh họa:AFP

Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1949 đã cấm môn golf và lên án nó như "trò chơi của các triệu phú". Thậm chí, ngay sau khi Trung Quốc tái mở cửa và golf xuất hiện trở lại ở nước này vào giữa thập niên 1980, chủ yếu nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, Bắc Kinh vẫn do dự giữa phản đối và ủng hộ golf.

Năm 2004, chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm các dự án sân golf trên toàn quốc nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, các quan chức địa phương, vì lóa mắt trước những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc bán đất, thường phớt lờ lệnh cấm cho đến khi ông Tập quyết tâm thực thi nó.

Golf bị giám sát chặt chẽ trước bối cảnh ông Tập tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng và từ lâu đã trở thành tiêu điểm để công chúng trút giận giữa lúc nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ và khoảng cách thu nhập trong xã hội ngày càng gia tăng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc buộc các đảng viên phải rời bỏ cây gậy golf bằng điều lệ mới ban hành năm 2015, trong đó, nêu chi tiết về những hành vi bị xử phạt, ví dụ như sử dụng công quỹ để chơi golf hay chi tiêu phung phí cho tiệc tùng và các chuyến công cán nước ngoài. Phí thành viên tại các câu lạc bộ golf lên đến hàng nghìn USD mỗi năm, vượt xa mức lương của hầu hết công chức Trung Quốc, do vậy, quy định trên thực tế không khác gì một lệnh cấm.

Mặt khác, Trump gần đây liên tục hứng chịu hàng loạt chỉ trích vì mê chơi golf. Việc ông xuất hiện tại câu lạc bộ golf quốc gia Trump ở bang Virginia hồi cuối tháng trước đã làm dấy lên làn sóng lên án mạnh mẽ trên mạng xã hội bởi các trợ lý lại nói ông vẫn làm việc ở Nhà Trắng vào thời gian đó.

Những người chỉ trích châm biếm Trump vì ông từng nhiều lần chê bai người tiền nhiệm Barack Obama vì dành quá nhiều thời gian chơi golf và đi nghỉ mát. Thậm chí, Trump còn đưa ra tuyên bố đáng nhớ tại một cuộc vận động tranh cử hồi hè năm ngoái rằng: "Tôi sẽ làm việc vì các bạn. Tôi sẽ không có thời gian chơi golf".

Chuyên đề